Laocaitv.vn - Trong thời gian qua, từ các nghề thủ công truyền thống, huyện Sa Pa đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, thu hút đông đảo khách du lịch. Phát huy thế mạnh này, Sa Pa đang chủ động đẩy mạnh quy hoạch, vừa bảo tồn, vừa phát huy để các ngành nghề thủ công truyền thống tiếp tục đóng góp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Tình trạng đeo bám khách du lịch để bán hàng thổ cẩm tại các xã của huyện Sa Pa đã giảm đáng kể.
Những năm trước đây, bà con ở xã Lao Chải thường đeo bám khách du lịch để bán hàng thổ cẩm, hiệu quả không được bao nhiêu, mà còn tạo nên hình ảnh xấu trong mắt du khách, kìm hãm sự phát triển của du lịch địa phương. Vậy nhưng, sau khi được sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình, dự án, cùng với sự vào cuộc cấp ủy, chính quyền và các cơ quan quản lý, các gia đình ở Lao Chải đã thành lập được hợp tác xã thổ cẩm hoạt động theo mô hình tập thể, nhờ vậy hiệu quả kinh tế từ nghề thêu, dệt thổ cẩm nơi đây đã ổn định và đời sống được nâng lên đáng kể. Chị Thào Thị Dua, xã Lao Chải, huyện Sa Pa chia sẻ: "Ngày trước chúng tôi phải đi theo khách bán thổ cẩm vất vả lắm, có ngày phải đi mấy vòng mà khách không mua đâu, chỉ xem thôi. Bây giờ có dự án hỗ trợ, chị, em thành lập câu lạc bộ như thế này thì chỉ việc ngồi thêu thôi, được cái gì thì lại bày ra để bán tại chỗ, không phải chạy để tranh khách nữa nên cũng đỡ vất vả, thu nhập của chị, em cũng ổn định".
Trong quá trình khai thác các giá trị về tri thức bản địa gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, sản phẩm Tắm lá thuốc người Dao đỏ trong thời gian qua đã mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện, thuốc tắm người Dao Tả Phìn đã được Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa sản xuất với quy mô lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch khi đến với Sa Pa, mà còn trở thành hàng hóa được ưa chuộng trên thị trường cả nước. Ông Lý Láo Lở, Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa cho biết: "Như ngày trước là chỉ chiết xuất bằng thủ công thôi, bây giờ đã có máy móc hiện đại hơn. Tự mình sản xuất sẽ tăng thu nhập về sản lượng và giảm được chi phí. Đầu ra thì hiện tại chúng tôi đang có 01 điểm ở Hà Nội, 01 điểm ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Dương, thường xuyên họ lấy hàng, là đối tác lâu năm rồi".

Sản phẩm Tắm lá thuốc người Dao đỏ trở thành hàng hóa được ưa chuộng trên thị trường cả nước.
Xác định rõ vai trò thúc đẩy nền kinh tế xã hội trên địa bàn của các ngành nghề thủ công truyền thống, thời gian qua, huyện Sa Pa đã có nhiều giải pháp giúp người dân hình thành được các tổ hợp tác, trên cơ sở đó phát triển thành hợp tác xã để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập bền vững cho người dân trên địa bàn. Ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết: "Đối với các cơ sở đã hình thành huyện sẽ hỗ trợ để nâng cao năng lực chế biến, sản xuất, hỗ trợ cho các cơ sở tìm thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Cùng với chương trình mỗi xã một sản phẩm, tiểu thủ công nghiệp sẽ gắn với các sản phẩm bản địa, đảm bảo truy suất được nguồn gốc xuất xứ, kết hợp làm thương hiệu và thị trường; tiếp tục đào tạo nghề, phát hiện các nghệ nhân, để bảo tồn giá trị về truyền thống, ví dụ như: Nghệ nhân thêu, nghệ nhân về rèn đúc... Trên cơ sở đó kết hợp với các chương trình đào tạo nghề của huyện, tỉnh, cũng như chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện đào tạo theo hướng truyền nghề, để giữ được nghề truyền thống đó".
Huyện Sa Pa đang xúc tiến đẩy mạnh quy hoạch 05 cụm văn hóa bản địa đặc trưng, gắn với văn hóa của dân tộc Mông – Dao – Tày – Dáy và dân tộc Xa Phó thành 05 điểm du lịch cộng đồng, trong đó yếu tố đồng bộ, hài hòa giữa không gian du lịch và kiến trúc các công trình, kể cả cây xanh, môi trường được lưu ý hàng đầu. Đối với các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phổ biến, phục vụ dân sinh như các nghề cơ khí, mộc, sửa chữa, cũng được quy hoạch lại, đảm bảo cho phát triển bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường và không gian du lịch./.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết