Laocaitv.vn - Tháng 12 hàng năm là thời điểm nông dân thực hiện đốn chè. Việc làm này đã được duy trì từ nhiều năm nay, giúp phục hồi cây, tăng năng suất, chất lượng chè của năm tới, nhờ vào việc tạo ra bộ tán rộng hơn.
Laocaitv.vn - Tháng 12 hàng năm là thời điểm nông dân thực hiện đốn chè. Việc làm này đã được duy trì từ nhiều năm nay, giúp phục hồi cây, tăng năng suất, chất lượng chè của năm tới, nhờ vào việc tạo ra bộ tán rộng hơn.
Chị Đỗ Thị Bích Thủy ở thôn Phẳng Tao, xã Bản Sen, Mường Khương đang tiến hành đốn chè theo lô để giảm tối đa phải thuê người hái khi vào chính vụ.
Vừa tận thu hết lứa chè cuối năm, chị Đỗ Thị Bích Thủy ở thôn Phẳng Tao, xã Bản Sen, Mường Khương đã chủ động đốn chè. Thay cho việc đốn chè đồng loạt, chị Thủy chọn cách đốn theo lô, mỗi lô đốn cách nhau hai tuần. Cách làm này sẽ giúp chia thời gian lao động hợp lý để giảm tối đa phải thuê người hái khi vào chính vụ. Nhờ đốn chè đúng kỹ thuật, đúng thời điểm nên chính vụ chè vừa rồi, tháng cao điểm gia đình có thu nhập lên đến 30.000.000 đồng. "Sau khi đốn, vết đốn bị tổn thương, cần phun thuốc để làm vết thương bị sẹo lại, đồng thời, diệt sâu bệnh trên mặt tán của chè giúp chè nhanh phục hồi, cây khỏe mạnh", chị Đỗ Thị Bích Thủy, thôn Phẳng Tao, xã Bản Sen, Mường Khương chia sẻ.
Các tổ kỹ thuật Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai hỗ trợ nông dân đốn chè.
Tại huyện Bảo Thắng, nơi có vùng chè diện tích 850 ha, do người dân đã có kinh nghiệm đốn chè theo đúng quy trình, kết hợp với bón phân, chăm sóc chè qua đông đúng khuyến cáo, nên năm nay, tính trung bình năng suất chè ở Bảo Thắng đã nâng lên 15% với vụ năm trước. Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai đang có 3 tổ kỹ thuật hỗ trợ nông dân đốn chè và hướng dẫn quy trình canh tác chè an toàn. "Cán bộ giúp người dân đốn chè, dân chỉ đi phát lại cạnh vì máy không làm được, hiệu quả nhanh hơn nhiều mà nương chè cũng đẹp hơn", chị Hoàng Thị Thu, Thôn Nhuần 1, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng nói.
Anh Nguyễn Tiến Cường, Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai cho biết: "Công ty hỗ trợ phối hợp với bà con trong việc đốn chè hoàn thiện trong tháng 12. Khi chè hết thời kỳ thu hái, chè sẽ ngủ, mình đốn dịp cuối năm sang năm mới chè sẽ nẩy".
Việc thực hiện đốn chè, chăm sóc đúng kỹ thuật đã giúp vụ chè năm 2021 tăng năng suất trung bình 12%. Với giá thu mua chè búp tươi bình quân 7.000 đồng/kg, thì giá trị thu nhập đạt trên 55.000.000 đồng/ha, tăng hơn so với năm trước từ 13 đến 15 triệu đồng mỗi ha một phần lớn từ việc thực hiện đúng quy trình đốn chè cuối năm.
Ngọc Hà – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết