Giải pháp phát triển rừng bền vững ở Lào Cai

08:05 22-09-2020 | :1044

Laocaitv.vn - Những năm gần đây diện tích cây quế ở Lào Cai liên tục được mở rộng, tuy nhiên, nếu không quản lý tốt dễ dẫn đến mất giá. Nhận thức được điều này, Hợp tác xã (HTX) Quế hữu cơ Nậm Đét, huyện Bắc Hà đã liên kết các hộ dân trồng quế, cung ứng nguyên liệu cho HTX để sơ chế. HTX chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Mối liên kết này mở ra cơ hội giúp nông dân địa phương có thu nhập bền vững và cao hơn.

Người dân sơ chế vỏ quế.

Sau khi HTX Quế hữu cơ Nậm Đét được thành lập, một việc mà người trồng quế chưa từng làm thì nay đã thuần thục, đó là sơ chế vỏ quế. Thực hiện khâu này đã giúp cho giá trị của quế cao gấp 2 - 3 lần so với trước. Quế ống điếu, quế ống sáo, quế cắt miếng, bột quế, tinh dầu quế… tất cả đều do người dân tự sơ chế.

“Vỏ quế sơ chế thì bán được giá cao hơn. 1 cân ống sáo có thể bán được 73.000 đồng, ống điếu bán được 60.000. Bà con rất phấn khởi”, chị Triệu Thị Khé, thôn Nậm Đét, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà cho biết.

“Mấy năm trước chưa thành lập HTX quế chỉ 25.000 đến 30.000đ/kg, giờ là 60.000 - 70.000đ/kg. Có chứng chỉ quế hữu cơ rồi, thậm chí đắt hơn cả tỉnh Yên bái. Ai cũng cũng thích mua quế của HTX chúng tôi”, anh Triệu Phúc Vầy, Giám đốc HTX Quế hữu cơ Nậm Đét, huyện Bắc Hà chia sẻ.

Hiện, diện tích quế đến kỳ thu hoạch của xã Nậm Đét đạt trên 1.800 ha. Trong đó, trên 500 ha rừng quế được cấp chứng nhận quế hữu cơ. HTX đã xây dựng thành công chứng nhận Quế hữu cơ quốc tế, đây là “giấy thông hành” để các sản phẩm quế Nậm Đét vươn xa, chinh phục thị trường quốc tế. Để ổn định sản xuất, HTX quế hữu cơ Nậm Đét đang liên kết sản xuất với gần 100 hộ gia đình. Yêu cầu bắt buộc là phải sản xuất quế sạch, điều này đồng nghĩa với việc thu nhập của bà con ổn định và cao hơn.

Rừng quế hữu cơ của nông dân xã Nậm Đét.

Lào Cai hiện có 16 chuỗi liên kết phát triển lâm nghiệp với 14 công ty, doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và hơn 5.000 hộ gia đình tham gia sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm lâm sản. Việc có truy xuất nguồn gốc rõ ràng là điều kiện để gia tăng giá trị lâm sản lên từ 5 đến 10% so với sản xuất thông thường, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các thị trường khó tính.

“Các đơn vị doanh nghiệp phải liên kết với HTX và nông dân. Các HTX người ta gần hơn, sát hơn và sát với điều kiện thực tế. Vì thế, HTX là mắt xích để tạo nên chuỗi liên kết giữa người dân - HTX - doanh nghiệp. Việc tổ chức, cấp chứng chỉ hữu cơ, FSC rất hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết.

Việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lâm sản là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm lâm sản. Vì vậy, giai đoạn 2021 - 2025, Lào Cai đặt mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp thành lĩnh vực kinh tế trọng điểm, đảm bảo hài hòa 3 yếu tố: kinh tế, môi trường và an sinh xã hội, giúp nông dân gắn bó bền vững với rừng.

Ngọc Hà - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết