Nghịch lý giữa hai vùng trồng dược liệu cát cánh

13:16 19-03-2023 | :449

Laocaitv.vn - Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi đang giúp Lào Cai phát triển được nhiều loại dược liệu quý, trong đó có cây cát cánh. Nông dân có quỹ đất, sức lao động và tiếp cận được kỹ thuật để canh tác dược liệu. Vì vậy, vấn đề lớn nhất là liên kết tiêu thụ sản phẩm để bà con có thể làm giàu bền vững từ loại cây dược liệu này.

 

Tại huyện Si Ma Cai, nông dân trồng dược liệu hầu như tự phát.

Theo tổng hợp từ huyện Si Ma Cai, hiện địa phương còn gần 37 ha cây dược liệu cát cánh đã đến kỳ thu hoạch, dự ước khoảng 200 tấn củ tươi, gồm cả loại củ hai năm và một năm. Tuy nhiên, bà con mới thu hoạch được 21 tấn củ. Còn lại vẫn trên nương do chưa có doanh nghiệp liên kết tiêu thụ. "Các hợp tác xã và các tổ chức dược liệu hiện nay đang thu mua nhưng cầm chừng. Họ thu mua về chủ yếu để đánh giá lại về tỷ lệ hao hụt và chất lượng của dược liệu. Công ty Hoa Thịnh ở Hưng Yên cũng đã thu mua trên 3 tấn để họ sấy thử", ông Lưu Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai nói.

Nông dân vùng trồng dược liệu Bắc Hà liên kết với các công ty bào chế dược liệu trong nước để tiêu thụ sản phẩm.

Trái ngược với tình hình thu hoạch và tiêu thụ cát cánh ở Si Ma Cai, nông dân vùng trồng dược liệu huyện Bắc Hà đang vào vụ sản xuất mới. Toàn bộ diện tích trồng năm trước hơn 62 ha hiện đã thu hoạch xong. Từ việc chỉ có một ha trồng khảo nghiệm cách đây 10 năm để đánh giá dược tính, đến nay, địa phương đã có đến 62 ha cây cát cánh. Tính trung bình, mỗi ha nông dân có lãi trên 100 triệu đồng. Quan trọng là địa phương có liên kết với các công ty bào chế dược liệu trong nước; các hộ dân đăng ký diện tích trồng với huyện để hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu liên kết đặt hàng.

"Huyện Bắc Hà giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp làm đầu mối liên kết cũng như bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thu mua sản phẩm tươi, sơ chế và bán khô cho các công ty theo hợp đồng ký kết hàng năm", bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà nói.

Trở lại với huyện Si Ma Cai, nông dân trồng dược liệu hầu như tự phát. Cây cát cánh còn ở trên nương sẽ tiếp tục được chăm sóc sang năm thứ 2. Mặc dù ít suy giảm về dược tính, nhưng trước mắt nông dân chưa thể có thu nhập từ loại cây trồng này, và việc mở rộng diện tích trong những năm tới sẽ khó khăn hơn.

Ngọc Hà – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết