Laocaitv.vn - Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, bà con người Dao ở thôn Ná Lùng, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát đã đưa cây khoai môn vào trồng, mang lại thu nhập khá cao. Từ hiệu quả kinh tế đem lại đang mở ra hướng phát triển mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương.
Những ngày này, bà con người Dao ở thôn Ná Lùng vào vụ thu hoạch cây khoai môn (ảnh trên). Cây trồng này mới được bà con nhân giống, mở rộng diện tích trồng trong vài năm gần đây. Chị Lý Thị Hằng cho biết: Khoai môn rất hợp với chất đất và khí hậu ở đây, cây đang phát triển tốt, năng suất cao và chất lượng thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng; so với các loại cây trồng khác, khoai môn đem lại giá trị kinh tế cao hơn. "Trồng sắn 1 ha thì mình bán được khoảng hơn 20 triệu đồng, nếu trồng khoai môn thì 1 tấn là 15 triệu đồng, 1 ha mình trồng được khoảng 7 - 8 tấn", chị Lý Thị Hằng, thôn Ná Lùng, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát chia sẻ.
Trước đây, khoai môn chỉ được bà con trồng phụ quanh nương đồi để cải thiện bữa ăn và chăn nuôi. Tuy nhiên, do hiệu quả và chất lượng củ thơm ngon, nhu cầu của thị trường ngày càng cao nên được mở rộng diện tích và dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần xoá đói, giảm nghèo tại địa phương. "Từ năm 2023, chỉ có một số nhà trong thôn trồng với diện tích 1 - 2 ha. 1 ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ việc phát triển hiệu quả cây khoai môn, bà con Nhân dân cứ áp dụng theo những nhà đi trước để trồng. Đến năm nay thì một số nhà trồng rất nhiều", bà Lý Thị Vân, Bí thư Chi bộ thôn Ná Lùng, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát cho biết.
Khoai môn hợp với chất đất và khí hậu ở thôn Ná Lùng nên cây phát triển tốt, năng suất cao.
Trồng khoai môn từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 6 tháng, không tốn nhiều vốn đầu tư, chỉ cần bón phân và làm sạch cỏ cho cây phát triển. Bình quân mỗi ha thu được khoảng 15 - 16 tấn củ, giá bán từ 15.000 - 16.000 đồng/1kg. Với trên 40 ha khoai, bà con thôn Ná Lùng dự ước thu gần 700 tấn củ, trị giá trên 11 tỷ đồng. "Chúng tôi đã quy hoạch vùng trồng cho Nhân dân để trồng đảm bảo về chất lượng, không trồng quá nhiều dẫn đến vấn đề bao tiêu đầu ra. Hiện nay, xã đang tiến tới xây dựng OCOP cho sản phẩm khoai môn để nhằm từng bước mang lại hiệu quả kinh tế", ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát nói.
Từ hiệu quả đem lại, xã Cốc Mỳ xác định khoai môn là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Để người dân yên tâm mở rộng diện tích, chính quyền sẽ hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, định hướng nhân rộng đến các thôn khác, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Ngọc Minh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết