Niềm vui ở Cốc Phà

13:35 02-03-2020 | :557

Laocaitv.vn - Thời gian gần đây, tại các địa phương vùng cao Lào Cai, người nông dân đã phát huy tính chủ động, sáng tạo trong chuyển đổi sản xuất, tự tìm những hướng đi mới để cải thiện cuộc sống. Chính sự tích cực ấy đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo của những bản nghèo vùng cao. Tại vùng cao Cốc Phà, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, những sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương, cộng với sự chủ động của người nông dân đã mang lại cuộc sống mới cho bà con nơi đây.

Chị Sùng Thị Phổng, thôn Cốc Phà, xã Cán Cấu chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Đàn trâu bò hiện có là tài sản lớn nhất của gia đình chị Sùng Thị Phổng, cũng là chỗ dựa để gia đình chị phấn đấu thoát được đói nghèo. Được sự vận động của chính quyền xã, vài năm về trước, chị Phổng mạnh dạn vay tiền mua trâu để vỗ béo, với mong muốn cải thiện cuộc sống gia đình. Và đến nay, hướng đi ấy đã bước đầu thành công. Hiện tại, với đàn gia súc gồm 2 con trâu và 10 con bò, gia đình chị đã thoát được đói nghèo. Chị Sùng Thị Phổng, thôn Cốc Phà, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai chia sẻ: "Trước kia, gia đình tôi chỉ biết trồng ngô, trồng lúa, đủ ăn là may lắm. Từ khi nhà tôi nuôi được trâu bò rồi thì mới có tiền dôi dư để sinh hoạt. Năm vừa rồi thoát được hộ nghèo, cả nhà ai cũng vui. Bây giờ cả thôn nhà nào cũng nuôi trâu bò như thế này".

Chăn nuôi gia súc là hướng đi chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân địa phương.

Hết năm 2019, thôn Cốc Phà có 7 hộ thoát nghèo. Đây không phải là 1 con số quá ấn tượng, nhưng lại hết sức ý nghĩa với 1 địa bàn còn nhiều khó khăn như Cốc Phà. Những ngày cấm rừng tháng 2, không đi làm nương, làm rẫy, người dân Cốc Phà lại dành thời gian chăm chút đàn vật nuôi, cùng chia sẻ với nhau những kinh nghiệm chăm sóc đàn trâu bò sao cho hiệu quả nhất. Mạnh dạn vay vốn mua 2 con bò, để đồng vốn sinh lời, anh Giàng A Kháng đã học hỏi cách nuôi trâu bò vỗ béo, mỗi năm cũng thu được lãi ít nhất vài chục triệu đồng. Anh Giàng A Kháng, thôn Cốc Phà, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai cho biết: "Tôi rất mừng khi được vay vốn của Nhà nước, cả hai vợ chồng cũng phải nỗ lực chăn nuôi để phát triển, giờ thì cuộc sống của gia đình ổn hơn trước rồi".

Nhận thấy giá trị kinh tế từ chăn nuôi đại gia súc, những năm gần đây, Đảng uỷ, chính quyền xã Cán Cấu xác định đây là hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, từ đó vận động, tuyên truyền người dân ở Cốc Phà nói riêng, trên địa bàn toàn xã nói chung quan tâm đến hướng đi này. Những chính sách hỗ trợ vay vốn, nhất là việc triển khai Nghị quyết 22 trên địa bàn đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn, triển khai sinh kế thoát nghèo. Ông Tráng Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai cho biết: "Trong năm nay, từ nguồn vốn hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, chúng tôi sẽ phân bổ vốn về cho từng thôn, dự kiến mỗi thôn 350 triệu đồng để bà con tiếp tục mua trâu bò vỗ béo, chính trang nhà cửa, vệ sinh môi trường tạo diện mạo mới cho thôn bản".

Sự năng động trong phát triển kinh tế đã giúp cuộc sống của người dân bớt khó khăn hơn.

Bà con nhân dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách ưu tiên, chính sách giảm nghèo. Vậy nhưng, những chính sách ấy có phát huy được hiệu quả hay không, phụ thuộc không nhỏ vào ý chí quyết tâm của chính người dân. Ở vùng cao Cốc Phà, sự năng động, chủ động trong phát triển kinh tế, những thay đổi trong nhận thức của chính người dân đã làm nên những chuyển biến đáng kể trong cuộc sống nơi đây.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết