Laocaitv.vn - Nhiều nương dứa của nông dân xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng đã đến kỳ thu hoạch mà hiện vẫn chưa bán được. Nhà máy tạm dừng thu mua, xe miền xuôi cũng không lên, nhiều diện tích dứa có thể phải bỏ chín trên nương vì không tiêu thụ được.
Laocaitv.vn - Nhiều nương dứa của nông dân xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng đã đến kỳ thu hoạch mà hiện vẫn chưa bán được. Nhà máy tạm dừng thu mua, xe miền xuôi cũng không lên, nhiều diện tích dứa có thể phải bỏ chín trên nương vì không tiêu thụ được.
Anh Đặng Văn Công (trái ảnh) lo lắng khi dứa đã thu hoạch nhưng không thể xuất bán.
Cách đây 2 ngày, 4 tấn dứa loại nhỏ còn gọi là dứa bi đã được bà con thôn Nậm Siu, xã Bản Phiệt thu về để sơ chế. Vậy nhưng, sau một ngày, việc thu mua dứa sơ chế bị tạm dừng, anh Đặng Văn Công, thôn Nậm Siu, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng đã mất 8 triệu đồng và cũng chưa hiểu tại sao lại như vậy.
Theo tiêu chuẩn đưa vào nhà máy chế biến, những quả dứa đã vàng từ 2 - 5 mắt sẽ được thu mua. Dứa đã đủ tiêu chuẩn thu hoạch, nhưng hiện không được thu mua. Do dịch bệnh nên xe từ miền xuôi cũng không lên, bán lẻ tại thị trường trong tỉnh cũng không được là bao. Theo tính toán của anh Hoàng Khái Lìn ở thôn Nậm Sò, để dứa lại nương còn đỡ mất công thuê người thu hoạch. "Chúng tôi không biết làm thế nào cả. Bà con rất khó khăn, sang năm đang tính tất cả diện tích dứa sẽ đưa vào trồng quế", anh Hoàng Khái Lìn lo lắng cho biết.
Hiện, Bản Phiệt có khoảng 250 tấn dứa đủ điều kiện thu hoạch nhưng chưa thể tiêu thụ.
Thời điểm này, xã Bản Phiệt có khoảng 250 tấn dứa đã đủ điều kiện thu hoạch nhưng các nhóm hộ đều không bán được cho nhà máy. Công ty chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương cũng mới chỉ thương thảo với đại diện một số nhóm nông dân về việc thu mua dứa quả chứ hiện chưa có hợp đồng chính thức. "Bà con địa phương đang tồn đọng rất nhiều diện tích dứa đã thu hoạch, rất khó khăn đối với bà con. Ngoài việc thu mua của công ty, bà con chỉ bán lẻ dọc đường nhưng rất khó", ông Lưu Vũ Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng nói.
Trở lại với gia đình anh Công, cách giải quyết trước mắt là gọt để bán hay cho đi được chút nào hay chút ấy. Trong khi đó, 4 tấn quả này đã chín, chỉ một vài ngày phải đổ bỏ. Một lần nữa vấn đề liên kết bền chặt trong tiêu thụ lại được đặt ra cho người nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Ngọc Hà – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết