Phụ nữ vùng biên Mường Khương phát triển kinh tế nông nghiệp
09:47 06-03-2023
| :705
Laocaitv.vn - Với sự quan tâm, đồng hành của các cấp hội, nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tại các xã, thị trấn của huyện biên giới Mường Khương đã mạnh dạn triển khai các mô hình kinh tế mới, mang lại hiệu quả, giúp chị em ngày càng thêm tự tin vào bản thân.
Mô hình nuôi lợn đen bản địa mang lại nguồn thu nhập cho phụ nữ các dân tộc thiểu số huyện Mường Khương.
Băm rau rừng, thân chuối, trộn bột ngô… Đây là lượng thức ăn được chị Ly Thị Khoa chuẩn bị cho đàn lợn của gia đình mình mỗi ngày. Nhiều năm qua, việc duy trì đàn lợn đen từ 15 – 20 con/lứa được chị Khoa lựa chọn, mang lại thu nhập tốt. "Nuôi lợn đen trên vùng cao bán được 70.000 – 80.000 đồng/kg thịt hơi, so với lợn trắng thì giá cao hơn. Gia đình tôi có lợn nái nên một năm cũng nuôi được 2 - 3 lứa lợn hơi, trước Tết cũng bán được hơn 60 triệu đồng", chị Ly Thị Khoa, thôn La Hờ Súng, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương chia sẻ.
Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chị Lồ Dìn Sủi cùng các chị em trong thôn thu hái nốt những quả quýt trái vụ; đồng thời tiến hành chăm sóc để cây phát triển. Với 5.000 gốc quýt, vụ quả vừa qua, gia đình chị Sủi có thu nhập gần 200 triệu đồng. "Chúng tôi tập trung chăm bón để cho cây phát triển, cho vụ quả năm 2023 sẽ được kinh tế cao hơn", chị Lồ Dìn Sủi, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương cho biết.
Hiện thực hóa Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện Mường Khương đã hình thành các vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm gắn với lợi thế từng vùng. Nếu như các xã vùng thấp, cây chè, chuối, dứa là chủ lực, thì ở các xã vùng cao, phát triển cây ăn quả có múi và chăn nuôi được lựa chọn. Chủ trương này đã và đang được Hội Phụ nữ huyện triển khai tới hội viên với nhiều cách làm cụ thể. "Có rất nhiều các tấm gương điển hình trên địa bàn huyện, theo chủ trương của huyện thì mỗi khu vực sẽ hình thành các mô hình sản xuất. Các chị em ở các khu vực này đang tích cực tham gia phát triển kinh tế cùng địa phương, là những nhân tố tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo", bà Bùi Thị Huấn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Khương nói.
Tận dụng lợi thế, phụ nữ các dân tộc thiểu số huyện biên giới Mường Khương đã và đang nỗ lực vượt khó, xây dựng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao vai trò, vị thế của chị em trong gia đình và xã hội.
Thào Sếnh – Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết