Laocaitv.vn - Sau gần 1 tháng triển khai các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô, đến nay, cơ bản ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Sa Pa đã khống chế được loài sâu gây hại đa thực này, không để lây lan sang diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất ngô vụ xuân hè và một số cây trồng khác.

Sau gần 1 tháng thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu keo, đến nay Sa Pa đã khống chế được loài sâu hại này
Cánh đồng ngô ở thôn Hòa Sử Pán 2 và Vạn Sử 1, xã Sử Pán là nơi bị sâu keo mùa thu gây thiệt hại nặng nhất trên địa bàn huyện. Đến nay, nhờ được triển khai các biện pháp phòng trừ kịp thời, những cây ngô đang hồi sinh trở lại; do đang trong thời kỳ đầu sinh trưởng nên những nõn bị sâu cắn cũng vẫn đang phát triển. Ông Châu A Quả, Phó Chủ tịch UBND xã Sử Pán cho biết: "Mặc dù có đến 30ha/90ha cây ngô vụ xuân của xã bị thiệt hại nặng do sâu keo phá hoại trong thời gian vừa qua, nhưng với chỉ đạo kịp thời của chính quyền xã, sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn của huyện và sự chủ động của người dân, đến nay tình hình sâu bệnh cơ bản được khống chế, người dân cũng đã bớt lo lắng và yên tâm sản xuất".
Mặc dù không bị thiệt hại nặng như xã Sử Pán, tuy nhiên thời gian qua trên địa bàn xã Thanh Phú cũng đã có khoảng 6 ha ngô vụ xuân hè bị sâu keo phá hoại. Ngay sau khi phát hiện, xã đã báo cáo huyện và chủ động tuyên truyền, vận động người dân tiến hành các biện pháp phòng trừ như phun thuốc trừ sâu theo hướng dẫn; huy động bà con bắt sâu theo phương pháp thủ công, nhờ đó tình hình sâu bệnh đã giảm rõ rệt. Ông Lồ A Quáng, khuyến nông viên xã Thanh Phú nói cho biết: "Từ khi sâu keo xuất hiện xã đã vận động bà con phun thuốc 3 đợt, đến giờ sâu trên cây ngô cũng đã gần hết, số cây bị sâu hại cũng đã phục hồi lại".

Những diện tích cây bị sâu keo hại cũng đã phục hồi trở lại
Theo báo cáo của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu trên địa bàn huyện Sa Pa khoảng 200 ha tại 9 xã, nặng nhất là tại 2 xã Sử Pán, Hầu Thào... Để kịp thời phòng trừ, trung tâm đã cử cán bộ xuống kiểm tra, đồng thời, cung ứng 1.400 gói thuốc bảo vệ thực vật để bà con phòng trừ kịp thời, tiến hành hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ theo phương pháp thủ công... Nhờ đó, sau gần một tháng triển khai các biện pháp phòng trừ, đến thời điểm này, tình hình sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô vụ xuân hè tại các xã đã cơ bản được khống chế. Diện tích cây ngô bị hại dần được phục hồi. Ông Đỗ Đức Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Sa Pa cho biết: "Tuy sâu keo đã được khống chế, nhừng bà con không nên lơ là mà vẫn phải tiếp tục phun thuốc để đảm bảo chống sâu cho cây trồng, không lan sang các cây trồng khác".
Để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại đối với cây ngô vụ xuân hè, đặc biệt là ngăn chặn kịp thời không để sâu keo mùa thu làm ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa, ngành Nông nghiệp huyện Sa Pa đang tiến hành điều tra chính và điều tra bổ sung để dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng vụ hè thu; nhất là đối tượng sâu keo mùa thu trên cây ngô. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo bà con nông dân, không nên chủ quan bởi đây là loài sâu còn có thể gây hại trên lúa và một số cây trồng khác. Trong thời gian tới, cần thường xuyên thăm đồng, tiếp tục phun thuốc phòng, trừ nhiều đợt, nếu phát hiện sâu bệnh cần báo ngay cho chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Lê Hưng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết