Sau Tết, cần tái đàn chăn nuôi hợp lý

15:07 14-02-2025 | :238

 

Laocaitv.vn - Sau vụ chăn nuôi phục vụ thị trường tết Nguyên đán, hiện các trang trại, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các địa phương trong tỉnh đã bắt đầu tái đàn, ổn định sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.

Xuất bán hết lứa gà Tết, hiện, gia đình chị Hoàng Thị Kiệm ở thôn An Thành, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai đã nhập gần 2.000 con gà giống, tăng hơn 500 con so với lứa trước. Giá gà thương phẩm mặc dù có giảm, nhưng các điều kiện cho chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm lại tương đối thuận lợi, nên chị Kiệm vẫn yên tâm khi tái đàn.

"Giá thức ăn chăn nuôi đang giảm dần nên các hộ chăn nuôi chúng tôi cũng cố gắng tái đàn, để cung ứng đủ sản phẩm ra thị trường", chị Kiệm cho biết thêm.

Gia đình chị Hoàng Thị Kiệm đã tái đàn nuôi gà với số lượng tăng so với lứa trước.

Để chuẩn bị cho lứa lợn mới, ngay sau Tết, gia đình ông Lê Hồng Chiến ở thôn Na Ó, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng đã vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực trại. Tuy nhiên, dịch bệnh trên đàn lợn đang diễn biến phức tạp, giá cả nhiều biến động, nên việc tái đàn được gia đình tính toán kỹ lưỡng, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro.

Ông Chiến chia sẻ: "Bây giờ chỉ tái đàn vừa phải, nếu tái đàn 100% thì sau này lợi nhuận sẽ không đạt. Vì một đàn lợn phải nuôi ít nhất 4 - 5 tháng mới xuất chuồng, mà sau thời gian này không biết giá cả sẽ như thế nào".

Chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. 

Toàn tỉnh Lào Cai đang có hơn 600.000 con gia súc, gần 5 triệu con gia cầm. Sau Tết là thời điểm các hộ chăn nuôi tái đàn, tuy nhiên, đây cũng là thời điểm chuyển mùa, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát, người chăn nuôi cần chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không tái đàn ồ ạt, chạy theo lợi nhuận trước mắt.

Bà Đồng Thị Vĩnh Hằng, Trưởng phòng Chăn nuôi và Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai khuyến cáo: "Người chăn nuôi cần có kế hoạch tái đàn hợp lý. Để tránh thiệt hại trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn thì người chăn nuôi phải nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, việc chủ động sản xuất con giống trong chăn nuôi cũng hết sức cần thiết; đồng thời phải tuân thủ tuyệt đối quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh".

Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần tích cực áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động nắm bắt thông tin thị trường, vào đàn hợp lý, tránh tình trạng "cung vượt cầu"...  đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả. 

Thế Long - Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết