Laocaitv.vn - Mùa đông là thời điểm bà con nông dân thực hiện đốn, chăm sóc cây chè, chuẩn bị đón mùa ra búp mới. Những kỹ thuật đốn, tạo tán với người trồng chè đã trở nên thuần thục. Nhờ đó năng suất, sản lượng chè của Lào Cai mỗi năm một tăng thêm.
Liên tục nhiều năm, chè hữu cơ Bản Liền, huyện Bắc Hà được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Nỗ lực này có được ngoài chấp hành quy trình chăm sóc an toàn thì người dân cũng chủ động đốn chè, chăm sóc đúng kỹ thuật. Là vùng chè hữu cơ nên việc đốn chè của nông dân cũng khác. Toàn bộ đều được làm thủ công, với cam kết không đưa thiết bị đốn có sử dụng động cơ lên nương chè.
Ông Lâm Văn Hành, ở đội 4, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà cho biết: "Phải đốn đi thì chè mới đẹp, ngọn mới to; muốn cây chè lớn nhanh thì phải làm cỏ, làm đất".
Người trồng chè hữu cơ Bản Liền chỉ được đốn chè theo phương pháp thủ công, không được sử dụng máy móc.
Là vùng chè lớn nhất của tỉnh, thời điểm này, nông dân Mường Khương đang đồng loạt đốn, vệ sinh nương chè. Diện tích lớn nên việc đốn được chia theo lô, sang năm khi chè vào vụ sẽ thực hiện hái theo từng lô, giúp tăng hiệu suất lao động, giảm chi phí tối đa. Nhờ cách làm đốn chè đúng kỹ thuật, đúng thời điểm nên chính vụ chè vừa rồi, tháng cao điểm gia đình chị Đỗ Thị Bích Thủy ở thôn Pẳng Tao, xã Bản Sen, huyện Mường Khương có thu nhập lên đến 30 triệu đồng. "Sau khi đốn, vết đốn bị tổn thương, mình phun thuốc sẽ làm vết thương sẹo lại. Vôi kèm trong sunfat đồng sẽ diệt toàn bộ trứng và sâu bệnh trên mặt tán của chè", chị Thủy cho biết thêm.
Toàn tỉnh Lào Cai hiện có hơn 4.800 ha chè kinh doanh. Diện tích này sẽ thực hiện đốn tạo tán. Phần diện tích còn lại khoảng 2.000 ha là chè trồng mới sẽ thực hiện đốn phớt để phát triển cành lá.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết thêm: "Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp sẽ có đội ngũ cán bộ kỹ thuật gồm 16 khuyến nông cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp liên kết và tiêu thụ sản phẩm chè trên địa bàn huyện đi hướng dẫn từng hộ dân, tổ hợp tác cách đốn chè đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Đó là tiền đề để nâng cao năng suất, chất lượng sau này".
Việc chủ động đốn chè, chăm sóc cuối năm giúp cho năng suất chè năm sau cao hơn.
Đốn chè cuối năm kết hợp với vệ sinh nương chè, chăm sóc bón phân đúng kỹ thuật, đúng liều lượng sẽ giúp năm sau chè nhiều búp, búp to và đẹp hơn; theo tính toán, sản lượng búp trung bình sẽ tăng thêm khoảng 12%. Với giá thu mua chè búp tươi bình quân 7.000 đồng/kg, năm 2022 mỗi ha chè ở Lào Cai đạt giá trị thu nhập trên 55 triệu đồng. Năng suất tăng thêm sẽ giúp gia tăng thu nhập. Bởi thế, quy trình đốn chè, chăm sóc cuối năm là hết sức quan trọng, cần được thực hiện nghiêm túc và bài bản.
Ngọc Hà - Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết