Nghề đan lát truyền thống của đồng bào người Mông ở xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà

22:01 05-04-2022 | :1260

Laocaitv.vn - Các làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta là di sản văn hóa quý báu, được hình thành, phát triển và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Các làng nghề này không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Làng nghề đan lát của đồng bào người Mông ở xã Lùng Cải, huyện vùng cao Bắc Hà đã và đang cấp ủy chính quyền địa phương và người dân tích cực gìn giữ.

 

Ông Cư Seo Hồ chia sẻ cách làm và nguyên liệu làm nên chiếc địu tốt

Những chiếc “Địu” như thế này có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của đồng bào vùng cao. Chúng thường được bà con dùng để gùi củi, đựng măng hay ngô lúa từ nơi thu hoạch về nhà. Vậy nhưng, để làm ra những sản phẩm có độ bền và có tính thẩm mỹ cao, người thợ phải biết lựa chọn nguyên liệu là những cây mây, cây tre, cây nứa có độ tuổi phù hợp. Ông Cư Seo Hồ, thôn Hoàng Trù Ván, xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà cho biết: “Nguyên liệu phải có đủ thời gian phơi nắng để khi chẻ nhỏ, uốn cong không bị giòn gãy, sau đó tạo màu sắc, đường nét, hoa văn cho sản phẩm. Nghề này được gia đình tôi lưu truyền từ nhiều đời rồi.”

Ông Thào Seo Chứ - một thợ lành nghề cho biết, trước đây, mọi người trong thôn trưởng thành đều biết đan lát một vài vật dụng thiết yếu để phục vụ cho sinh hoạt, lao động và sản xuất. Tuy nhiên, để trở thành những người thợ đan lát giỏi, được bà con ví như nghệ nhân của bản thì phải biết đan những đồ dùng cần tới kỹ thuật cao.

Làng nghề thủ công truyền thống như: rèn, chạm khắc bạc... đang dần mai một

Đan lát là nghề truyền thống của bà con người Mông ở Hoàng Trù Ván. Những nghệ nhân giỏi như ông Hồ, ông Chứ không còn nhiều. Địa phương xác định, cùng với nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, việc bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào thông qua việc gìn giữ, quảng bá các làng nghề truyền thống là nhiệm vụ quan trọng. Ông Giàng Seo Sú, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà nói: “Quảng bá, giới thiệu sản phẩm để khách tìm mua, bà con có nguồn thu sẽ phát triển được nghề.”

Dưới tác động của những nhân tố khách quan và chủ quan, nhất là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều làng nghề thủ công truyền thống của bà con dân tộc Lào Cai như: thổ cẩm, rèn, chạm khắc bạc, đan lát hay nấu rượu… đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ mai một. Vì vậy, việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc giá trị của nghề thủ công truyền thống, từ đó có những giải pháp đồng bộ, góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trong điều kiện mới là hết sức cần thiết.

Vàng Tráng - Thào Loan

Trung tâm Văn hóa TT – TH huyện Bắc Hà

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết