Laocaitv.vn - Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, nỗ lực vượt khó của mỗi hộ dân, đời sống đồng bào ở vùng cao Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương đang từng ngày đổi thay. Góp phần vào những đổi thay đó có vai trò không nhỏ của những người phụ nữ nơi đây. Chị Tải Xín Phán, dân tộc Thu Lao, ở thôn Thải Giàng Sán, xã Tả Gia Khâu là một ví dụ.
Thời tiết khô hanh, đất đồi dốc, nhiều núi đá… khiến cây ngô, cây lúa khó bén rễ trên vùng đất khát. Chính vì vậy, nuôi dê sinh sản là hướng đi được chị Tải Xín Phán lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. "Tôi có hơn 200 con dê, một năm cũng thu được khoảng 100 - 200 triệu đồng. Không đi làm thuê được, ở nhà tôi chăn nuôi dê, một tuần bán 1 - 2 con cũng mua được các thứ cho các con ăn học", chị Phán cho biết.
Nuôi dê đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình chị Phán.
Làm lán chăn nuôi cách xa thôn, dê chủ yếu thả trên núi, thức ăn là các loại cỏ, lá từ tự nhiên… Vì vậy, đàn dê của gia đình chị Phán chất lượng thịt thơm ngon, chủ yếu được các nhà hàng, khách sạn tại huyện và thành phố Lào Cai đặt mua. Với giá bán trung bình 160.000 đồng/kg, mỗi con có trọng lượng từ 25 - 30kg, mang lại nguồn thu khá lớn. Ngoài tận dụng đất đồi để nuôi dê, chị Phán cũng mạnh dạn vay thêm vốn đầu tư nuôi lợn đen bản địa theo cách riêng của mình. "Một năm lợn đẻ được 2 lứa, mỗi lứa được 60 - 70 con, bán được khoảng 60 - 70 triệu đồng. Mỗi năm thu được hơn 100 triệu đồng, cũng đủ nuôi gia đình", chị Phán chia sẻ thêm.
Bà Bùi Thị Huấn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Khương cho biết thêm: "Chị Tải Xín Phán là một hội viên phụ nữ tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài cung cấp giống cho các hội viên phụ nữ khác trên địa bàn thôn, xã thì chị Phán còn chăn nuôi lợn thịt. Còn về chăn nuôi dê thì trên địa bàn xã Tả Gia Khâu và kể cả huyện Mường Khương cũng không có nhiều chị em phụ nữ mạnh dạn nuôi, chị Phán đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi dê".
Ngoài nuôi dê, chị Phán còn mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi lợn đen bản địa theo cách riêng.
Biến khó khăn thành lợi thế, tận dụng điều kiện tự nhiên để phát triển mô hình chăn nuôi hiệu quả, hàng năm, gia đình chị Tải Xín Phán có thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ là tấm gương cho nhiều chị em hội viên học tập noi theo, chị Phán còn là nhân tố tích cực trong các phong trào Hội... khẳng định được vị thế của người phụ nữ, là tấm gương về tinh thần sáng tạo, nỗ lực vượt khó.
Thào Sếnh - Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết