Laocaitv.vn - Đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp và tay sai cai trị vùng đất Nghĩa Đô đã lập nên hệ thống đồn bốt kiên cố để phòng thủ. Nơi đây từng diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của bộ đội ta nhằm tiêu diệt địch vào năm 1950, đưa chiến dịch Lê Hồng Phong đến thắng lợi, góp phần giải phóng Lào Cai.
Ngược dốc lên đỉnh đồi quế rộng hàng nghìn mét vuông ở bản Kem, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên là nơi thực dân Pháp xây dựng đồn Nghĩa Đô ngay từ khi chúng xâm lược, cai trị, khoảng năm 1902.
Sau hơn 120 năm, trải qua chiến tranh và thời gian, đến nay, khu đồn Pháp ở Nghĩa Đô chỉ còn lại những bức tường đá, nền móng của khu vực đồn xưa. Ngoài ra, nơi đây vẫn còn phế tích của những mảng tường xây bằng gạch và đường giao thông hào. Nhìn những lớp kè và chân tường dài có thể hình dung ra khu đồn Tây trước đây rất rộng lớn. Nghệ nhân Ưu tú Ma Thanh Sợi, Bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên chia sẻ: "Pháp chủ yếu bắt phu là người Tày ở Nghĩa Đô vào xây dựng đồn Nghĩa Đô và làm lính. Quy mô đồn Nghĩa Đô cũng rất lớn, gồm nhà quan, nhà chỉ huy và 3 trại lính, có thời điểm khoảng 400 tên lính Pháp đồn trú".
Nghệ nhân Ma Thanh Sợi tâm sự về cuộc đấu tranh huy hoàng của Nhân dân ta tại Đồn Nghĩa Đô.
Tại khu đồn Pháp ở Nghĩa Đô đã diễn ra những trận chiến đấu vô cùng ác liệt giữa bộ đội ta với địch. Có thời điểm, Pháp dùng 18 máy bay, thả 400 lính dù xuống tiếp tế, ta tiêu diệt hơn 60 tên địch. Trước sự tấn công, bao vây của ta, đến ngày 10/3/1950, Pháp phải rút quân khỏi Nghĩa Đô về Bắc Hà. Chiến dịch Lê Hồng Phong (màn I) kết thúc thắng lợi. Tại mặt trận Nghĩa Đô, ta tiêu diệt 159 tên địch và thu nhiều vũ khí, trong đó có 65 lính Pháp và 4 tên phản động.
Anh Hoàng Hải Đăng, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên cho biết: "Đồn Nghĩa Đô theo thời gian đã bị phong hóa, giờ chỉ còn là phế tích. Đường đi lại cũng như cảnh quan đồn Nghĩa Đô vẫn chưa được đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư để nơi đây là điểm đến du lịch, di tích lịch sử văn hóa của địa phương".
Bia đá khắc chứng tích Chiến thắng Nghĩa Đô được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa.
Năm 2008, chứng tích Chiến thắng Nghĩa Đô được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa. Tuy nhiên, đến nay, di tích này vẫn còn rất hoang sơ, chưa được đầu tư tôn tạo. Hiện, UBND xã Nghĩa Đô cũng đã rà soát diện tích đất liên quan đến di tích lịch sử và tuyên truyền các hộ dân có đất thuộc khu vực này cần giữ gìn, bảo vệ, không xâm hại đến các phế tích đồn Tây cũ.
Chính quyền và Nhân dân địa phương mong muốn đồn Nghĩa Đô sớm được đầu tư, tôn tạo để trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau, cũng là điểm đến tìm hiểu về lịch sử vùng đất này cho du khách bốn phương.
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết