Laocaitv.vn - Để những tiết học lịch sử thêm sinh động, hấp dẫn, giúp các em học sinh tiểu học dễ hiểu, dễ nhớ và hào hứng tiếp thu bài giảng, các thầy cô giáo đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, linh hoạt trong tổ chức giờ học.
Laocaitv.vn - Để những tiết học lịch sử thêm sinh động, hấp dẫn, giúp các em học sinh tiểu học dễ hiểu, dễ nhớ và hào hứng tiếp thu bài giảng, các thầy cô giáo đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, linh hoạt trong tổ chức giờ học.
Trong tiết học lịch sử, em Trần Phương Linh, học sinh Trường Tiểu học Quang Kim, thị trấn Bát Xát cùng các bạn tìm hiểu bài qua những câu đố thú vị hoặc xem phim tư liệu và tham gia hoạt động nhóm. Được chủ động bày tỏ ý kiến, trao đổi, thảo luận với các bạn giúp Phương Linh thêm hào hứng với môn học.
Phương Linh chia sẻ: “Em rất thích học Lịch sử. Em được hiểu rõ hơn về những sự kiện, các lễ hội của dân tộc ta. Em cảm thấy tự hào vì em được hiểu rõ hơn về cội nguồn của dân tộc mình”.
“Khi học Lịch sử, em hiểu rõ hơn về tinh thần đoàn kết sẽ giúp ta làm nên điều to lớn”, em Bùi Ngọc Khánh, học sinh Trường Tiểu học Quang Kim, thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát bày tỏ.
Tìm hiểu bài qua những thước phim tư liệu.
Để có giờ học thú vị, cô Nguyễn Thị Vân đã có nhiều sáng tạo trong xây dựng bài giảng, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin với hình ảnh trực quan để minh họa sinh động các sự kiện lịch sử, giúp học sinh hiểu bài, đồng thời kích thích tính chủ động và khả năng tư duy của các em.
“Tôi thường kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú cho học sinh. Khi các em thấu hiểu và yêu quý lịch sử đất nước, các em sẽ biết trân trọng những gì mình đang có và nỗ lực hơn trong học tập”, cô giáo Nguyễn Thị Vân, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Lào Cai chia sẻ.
Minh họa sinh động các sự kiện lịch sử.
Cấp tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, Lịch sử được thực hiện trong môn Tự nhiên và Xã hội với 210 tiết. Từ lớp 4 đến lớp 5, Lịch sử được giảng dạy tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí với 140 tiết. Ngoài giảng dạy trên lớp, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trò chơi dân gian và tham quan di tích lịch sử ở địa phương được các nhà trường chú trọng.
Bà Bùi Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Lào Cai cho biết: “Việc giáo dục lòng yêu nước là nền tảng để các em trở thành những công dân có ý thức, sẵn sàng cống hiến cho xã hội”.
Các hoạt động ngoại khóa được các nhà trường chú trọng.
Những nỗ lực trong đổi mới phương pháp giảng dạy và tổ chức hoạt động thực tế đã mang lại luồng gió mới, giúp học sinh tiểu học không chỉ hiểu mà còn yêu thích môn Lịch sử, từ đó nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và ý thức trân trọng lịch sử, văn hóa quê hương.
Linh Thảo – Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết