Laocaitv.vn - Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp an toàn, thông minh, những năm qua, nhiều hộ nông dân ở Bảo Thắng đã áp dụng công nghệ 4.0 vào chăn nuôi. Đầu tư bài bản và quy củ, ứng dụng tự động hóa, cơ giới hóa, các trang trại chăn nuôi 4.0 này đã mang lại doanh thu cao, lợi nhuận lớn.
Trang trại chăn nuôi có quy mô 500 con gà thịt/lứa và trên 300 lợn nái, lợn thịt của gia đình bà Đào Thị Vuông là điển hình trong ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, thông minh ở thôn Na Ó. Toàn bộ chất thải của đàn lợn, đàn gà được xử lý bằng quy trình chăn nuôi tuần hoàn khép kín. Hàng ngày, hệ thống loa được lắp đặt tại các khu chuồng trại đều phát ra những bản nhạc theo lịch hẹn giờ cố định. "Gà nhà tôi mỗi lần có người vào mua thì nó sợ, nó cứ chạy. Từ khi lắp đài từ động hẹn giờ, cứ từ 7h sáng là đài tự hát. Con gà được nghe nhạc thì nó bạo hơn, nó đỡ chạy, đỡ sợ", bà Đào Thị Vuông, thôn Na Ó, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho biết.
Giàn chứa thức ăn, nước uống cho đàn gà được anh Phạm Văn Quyết thiết kế điều khiển tự động, lập trình sẵn trong ngày.
4 khu chuồng trại nuôi gà thịt, giá trị đầu tư tới 2 tỷ đồng, đảm bảo nuôi mỗi lứa từ 20.000 - 30.000 con của anh Phạm Văn Quyết thôn Cốc Sâm 4, xã Phong Niên. Anh đã hiện đại hóa trang thiết bị và áp dụng công nghệ chăn nuôi chuẩn hoàn toàn 4.0 khi toàn bộ giàn chứa thức ăn, nước uống cho đàn gà đều điều khiển tự động, lập trình sẵn trong ngày. Công nghệ chăn nuôi thông minh này giúp gia đình anh giảm nhân công, hạn chế hao hụt mà gà lại nhanh lớn hơn. "Ăn uống tự động thì gà sẽ được ăn đồng đều và nhanh lớn. Nếu nuôi theo cách thông thường thì 1 vạn gà phải tốn 1 nhân công, nhưng còn bây giờ thì 3 vạn gà chỉ mất 1 nhân công", anh Phạm Văn Quyết, thôn Cốc Sâm 4, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng nói.
Tự động hóa, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ thông minh vào các khâu sản xuất đã và đang là cách làm được nhiều hộ chăn nuôi ở Bảo Thắng áp dụng. Đây cũng là một trong những giải pháp mà huyện Bảo Thắng khuyến khích nhằm thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa của địa phương.
An Hồng – Lâm Thi
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết