Bắc Hà nỗ lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

16:02 19-11-2020 | :354

Laocaitv.vn - Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới với lớp 1. Lo lắng ban đầu là không thể tránh khỏi nhưng những lo lắng ấy đã phần nào vơi bớt bởi tín hiệu tích cực trong công tác dạy và học tại các trường dần đi vào nền nếp.

Tiết học tại điểm Trường Sừ Mần Khang.

Tiết học mới của các em học sinh lớp 1, điểm Trường Sừ Mần Khang, Trường PTDT bán trú Tiểu học Tả Van Chư bắt đầu với bức tranh đầy màu sắc, cùng những hình ảnh gần gũi, quen thuộc. Với sự gợi mở của giáo viên, các em nhỏ vô cùng hứng thú khi được tiếp cận những con chữ đầu tiên trong đời. Sách giáo khoa mới là một trong những nội dung được các nhà trường đặc biệt quan tâm. Bước đầu cả giáo viên và phụ huynh đều có những lo lắng về chương trình thay sách giáo khoa lớp 1 nhưng khi đi vào thực tế giảng dạy, nhìn thấy học sinh thích thú dõi theo những chữ cái, âm vần và những hình ảnh bắt mắt sinh động từ sách giáo khoa mới, các thầy cô đã có thêm sự tự tin khi giảng dạy. Từ đó, học sinh mạnh dạn, hào hứng, hợp tác với cô giáo trong tiết học và tiếp thu bài cũng nhanh hơn, phụ huynh tin tưởng và ủng hộ. Bên cạnh những thuận lợi thì việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cũng còn một số khó khăn, hạn chế. Theo yêu cầu của chương trình mới, do không được học 2 buổi/ngày nên tất cả học sinh các lớp này phải học đủ 6 buổi/tuần thay vì chỉ 5 buổi như những năm học trước, điều này cũng gây nhiều áp lực cho giáo viên, mệt mỏi cho học sinh. Cô giáo Giàng Lan Anh, điểm Trường Sừ Mần Khang, Trường PTDT bán trú Tiểu học Tả Van Chư chia sẻ: “Năm nay là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên chúng tôi gặp nhiều khó khăn, vì học sinh vùng cao vốn tiếng phổ thông còn hạn chế, chương trình học lại nặng hơn những năm trước, học 5 tuần đã xong phần âm, chuyển sang học vần nên cũng có phần áp lực”.

Trường Tiểu học Na Hối là trường gần trung tâm huyện và được cho là có nhiều điều kiện thuận lợi nhất để đưa chương trình giáo dục phổ thông mới vào giảng dạy. Ngoài việc đổi mới về sách giáo khoa thì việc cần đổi mới là giáo viên. Chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải có sự sáng tạo, tìm tòi và có những phương pháp giảng dạy hợp lý, thu hút. Xác định được vấn đề trên với 2 lớp 1 trong năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Na Hối đã lựa chọn những giáo viên có tâm huyết, năng lực để lên lớp. Qua quá trình giảng dạy từ dầu năm học tới giờ đã tạo nên nhiều sự thay đổi, tuy nhiên cũng gặp những trở ngại, như lượng kiến thức nhiều, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ, sự thờ ơ của nhiều phụ huynh trong việc phó mặc cho giáo viên, không sâu sát, kèm cặp con thêm khi ở nhà… đã tạo nên những áp lực cho giáo viên, từ đó đã ảnh hưởng rất nhiều tới việc đưa chương trình giáo dục phổ thông mới vào giảng dạy. Nhằm khắc phục những khó khăn, nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp, như phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền chương trình giáo dục phổ thông mới, tuần 1 lần tổ chức hội thảo về phương pháp giảng dạy… Cô giáo Lâm Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Hối cho biết: “Sở Giáo dục và các thầy cô đã chọn bộ sách giáo khoa rất phù hợp với lặng lực học sinh. Nhà trường thì có nhiều cái khó khăn như năm học vừa qua do dịch Covid-19 kéo dài lên học sinh 5 tuổi chưa được năm bắt kiến thức nhiều trước khi lớp 1, vì vậy các thầy cô vất vả hơn. Đến thời điểm này, cơ bản học sinh đã nắm được các âm, các vần”.

Học chương trình giáo dục phổ thông mới các em học sinh nhanh nhẹn, tự tin hơn.

Năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1 tại huyện Bắc Hà, nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại đã được đầu tư. Để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho học sinh và giáo viên, các điểm trường lẻ thuộc vùng khó khăn còn được trang bị máy chiếu, máy tính... Đến nay, hầu hết các em học sinh lớp 1 đều đã có sách giáo khoa để học tập. Ngoài ra, để bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mới, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát, nắm bắt thực trạng cơ sở vật chất của trường, trên cơ sở đó kịp thời bổ sung phần còn thiếu. Cụ thể, huyện Bắc Hà đã đầu tư, xây dựng mới 187 phòng học; nâng cấp 331 phòng học, 37 phòng bộ môn; 101 phòng giáo viên, 160 phòng ở học sinh bán trú; 116 công trình nhà vệ sinh; 58 công trình nhà bếp, nhà ăn; cấp mới 13 phòng tin học với 560 máy tính trị giá 151 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục huyện Bắc Hà đã tiến hành rà soát, tổng hợp, nhu cầu mua sắm thiết bị tối thiểu cho lớp học là 110 bộ/110 lớp, thiết bị tối thiểu cho học sinh lớp 1 là 1684 bộ/môn học. Ông Bùi Văn Tiến, Trường Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà khẳng định: “Trong thời gian tới, toàn nghành tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục mới, nâng cao năng lực quản lý trường học và huy động sự tham gia của người học, của gia đình và xã hội. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu ở các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó triển khai, đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa theo hướng tiếp cận người học, thực hiện nguyên lý học đi đôi với hành, thông qua giáo dục Steem, các mô hình giáo dục gắn với thực tiễn, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo quy chuẩn và hiện đại”.

Trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ngành Giáo dục huyện Bắc Hà đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía các nhà trường. Đây là tín hiệu rất đáng mừng để toàn ngành phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 đã đề ra./.

 Lê Hiếu


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết