Cần tiêm phòng ngay sau khi bị động vật cắn

11:06 16-04-2024 | :998

Laocaitv.vn - Tại Việt Nam, bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong trên người cao nhất trong 5 năm qua và xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tại Lào Cai, bệnh dại cũng đang diễn biến phức tạp, vì vậy việc chủ động tiêm vắc xin phòng dại khi không may bị vật nuôi cắn là rất cần thiết, bởi bệnh dại khi đã phát tác sẽ không còn khả năng cứu chữa. 

 

Chị Bùi Thanh Tuyền đưa con gái đến cơ sở y tế thăm khám sau 1 ngày bé bị chó nhà hàng xóm cắn. Qua tìm hiểu thông tin về bệnh dại, chị Tuyền khá cẩn trọng.

Chị Tuyền đưa con đi kiểm tra ngay sau khi bị chó hàng xóm cắn.

Chị Bùi Thanh Tuyền, Tổ 25, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai nói: “Con chó cảnh nó cắn, gia đình hàng xóm họ theo dõi rồi, nhưng mà mình vẫn sợ, vẫn có vết thương cho nên đưa con ra bác sĩ khám xem có phải tiêm không hay như thế nào”.

Ông Trần Đức Ba, ở phường Cốc Lếu thì có phần chủ quan hơn. Bị mèo nhà cắn, nhưng ông Ba không đến bệnh viện mà tự mua thuốc điều trị tại nhà. Sau 1 tuần, vết thương không có dấu hiệu lành lại ông mới đến cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn xử lý (ảnh dưới).

Ông Trần Đức Ba, Tổ 11, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai chia sẻ: “Tôi bị mèo cào cách đây một tuần, cứ nghĩ là bình thường thôi nhưng mà đến hôm nay không thể đi được nữa, thì tôi đã trực tiếp xuống, các bác sĩ khuyến cáo là tiêm kháng sinh, các loại huyết thanh thì tôi thấy yên tâm hơn một chút”.

Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh có 853 người bị động vật cắn, cào phải điều trị dự phòng bệnh dại, trong đó có 824 người phải đi tiêm vắc xin phòng dại, 157 người tiêm huyết thanh kháng dại. Có tuần cao điểm, ghi nhận tới 70 trường hợp người bị phơi nhiễm phải đi tiêm phòng dại. Đáng chú ý, nhiều người chủ quan không tiêm phòng vắc xin ngay sau khi bị động vật cào, cắn, chỉ khi thấy động vật có bất thường mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng.

Bác sĩ Mã Thị Hiền, Phòng khám Đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Tất cả mọi người khi bị chó, mèo hoặc động vật nghi dại cắn thì cần phải đi tiêm vắc xin ngay lập tức, càng sớm càng tốt, nhất là trong ngày đầu bị cắn”.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn.

Khi bị phơi nhiễm với virus dại, người bị cắn có rất ít thời gian để ngăn chặn sự toàn phát của bệnh, đặc biệt là với những vết thương lớn gần thần kinh trung ương. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên chần chừ, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn, đồng thời kết hợp theo dõi con vật. Nếu sau 10 ngày kể từ khi cắn con vật vẫn khỏe mạnh bình thường thì có thể chuyển sang phác đồ tiêm dự phòng.

Phương Hiền


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết