Cảnh báo tình trạng béo phì ở trẻ em do thói quen ăn uống

20:31 26-12-2023 | :205

Laocaitv.vn - Chất lượng dân số là một trong những yếu tố hàng đầu cho phát triển bền vững, đây cũng là mục tiêu chung mà ngày Dân số Việt Nam 26/12 hằng năm hướng tới. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng dân số là thách thức trong giai đoạn hiện nay, bởi theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng giai đoạn 2010 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tình trạng thừa cân, béo phì ở nhóm trẻ 5 - 19 tuổi của nước ta đã tăng từ 8,5% lên 19%. Theo các chuyên gia y tế, đây thực sự là con số đáng báo động, nguyên nhân hàng đầu gây nên nhiều bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì nói chung, trong giới trẻ nói riêng, tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp là do lối sống lười vận động và thói quen ăn uống không khoa học; nhất là việc sử dụng thường xuyên những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều chất béo bão hòa.

Anh Lê Ngọc Trung, ở phường Lào Cai, thành phố Lào Cai cho biết: "Thực ra, một phần cũng do các bạn buông thả trong vấn đề ăn uống. Các bạn ăn những đồ ăn sẵn nhiều dầu mỡ rất là nhiều, như cánh gà, đùi gà, xúc xích chiên dầu mỡ ở hè phố, ngoài ra có trà sữa, trà chanh. Nhiều loại nước ngọt có đường hóa học rất dễ gây béo phì".

Anh Lê Văn Bùi, ở phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai cũng cho biết: "Thực tế thì tôi thấy bây giờ các bạn trẻ béo phì rất nhiều. Cũng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chính như do chế độ dinh dưỡng, thứ hai là cũng do một số sản phẩm các bạn ăn hiện nay không đảm bảo chất lượng. Ăn uống, ngủ nghỉ, tập luyện không cân đối nên dẫn đến béo phì".

Thói quen ăn uống không khoa học, sử dụng nhiều đồ ăn sẵn sẽ khiến trẻ dễ bị béo phì.

Giai đoạn 2014 - 2019, tại Lào Cai, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân từ 2,6% đã tăng lên 4,9%; tương tự, tỷ lệ béo phì cũng tăng từ 0,9% lên 1,2%. Con số này cho thấy tình trạng trẻ nhỏ thừa cân, béo phì đang có chiều hướng gia tăng, tập trung phần lớn ở khu vực thành thị, nơi có điều kiện sống tốt hơn. 

"Hậu quả lâu dài vô cùng quan trọng như mắc bệnh tim mạch, hô hấp, tiểu đường, cao huyết áp. Với các bạn thừa cân, béo phì khi đi học cũng bị ảnh hưởng tâm lý, xấu hổ với bạn bè vì béo; tiếp nữa là hoạt động của các bạn cũng bị giảm sút đi", bà Phan Thị Nguyệt, Phó Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai cho biết thêm.

Ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể thao là những giải pháp phòng chống béo phì cho trẻ.

Để kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, nhất là ở trẻ nhỏ, trước hết cần nâng cao nhận thức từ chính các bậc phụ huynh. Trong đó, hình thành cho con thói quen ăn uống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; đồng thời, phối hợp tốt với các bác sĩ để kiểm soát tình trạng cân nặng của trẻ.

Diệp Chi - Lương Mạnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết