Chuyện những người ngược núi

14:36 07-11-2022 | :538

Laocaitv.vn - Câu chuyện giáo viên trẻ dưới xuôi lên dạy học ở vùng cao, một thời gian khi có cơ hội sẽ chuyển công tác về quê, hay địa bàn thuận lợi hơn cũng là quy luật dễ hiểu. Nhưng còn có rất nhiều thầy, cô giáo kết thành gia đình, kiên trì bám trụ với sự nghiệp trồng người ở vùng cao gian khó. 

Là Phó Hiệu trưởng, mỗi tuần, thầy Trần Văn Hoàng (ảnh trên) chỉ phải đứng lớp 4 tiết. Nhưng mỗi giờ học của thầy đều vô cùng hấp dẫn, bởi trong lời giảng, ngoài kiến thức chuyên môn, còn có kinh nghiệm của một giáo viên gắn bó cả thời tuổi trẻ với mảnh đất Bản Liền. Thầy giáo Trần Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Liền, huyện Bắc Hà cho biết: "Tôi lên đây từ năm 1998, khi ấy vẫn còn rất là khó khăn, tất cả đều là đường đi bộ. Thực sự bản thân tôi vào đến đây cũng nhận thấy tầm quan trọng của con chữ, nên cũng muốn cống hiến cho học sinh, cho người dân nơi đây".

Hành trình cống hiến cho vùng cao của thầy Trần Văn Hoàng đã trải dài hơn 2 thập kỉ, nhiều lần trì hoãn dự định về quê Nam Định công tác, hay từ chối cơ hội chuyển ra những địa bàn thuận lợi hơn. Các lứa học trò của thầy Hoàng đã trưởng thành, đỗ đạt. Cũng có người quay trở lại mái trường xưa, cùng thầy giáo mình viết tiếp ước mơ cõng chữ lên non. Thầy giáo Sùng Seo Chủ, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Liền, huyện Bắc Hà cho biết: "Thầy cô đã ở đây rất lâu, đã cống hiến rất nhiều, nay tôi cũng mong muốn được tiếp nối thầy cô để dạy học cho con em ở bản mình".

Thầy giáo Sùng Seo Chủ là lứa học trò của thầy Hoàng sau khi học xong về bản tiếp tục tiếp nối truyền thống của thầy cô đi trước.

2 vợ chồng thầy Hoàng cùng công tác tại một đơn vị, cùng quyết định “không xuống núi” để tận tâm, tận lực cống hiến cho giáo dục vùng cao. Họ chung niềm vui với học trò, đồng nghiệp, và cùng san sẻ những nỗi niềm riêng. Cô giáo Trần Thị Thanh Hương, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Liền, huyện Bắc Hà cho biết: "2 cháu khi được 1,5 tuổi là tôi đã cho về với ông bà ở quê. Tôi vẫn còn nhớ khoảng thời gian đó, sau những tháng xa con, về đến nhà con không nhận mẹ, những lúc ấy mình không muốn nghề nghiệp gì nữa. Nhưng nghĩ đến sự nghiệp, đến việc bố mẹ cho mình ăn học, mình lại quyết tâm quay trở lại vùng cao. Dần dần con cũng hiểu và chia sẻ với bố mẹ".

Thầy Hoàng, cô Hương, cũng như hàng nghìn thầy cô giáo ngược núi lên vùng cao, đều giữ cho mình những câu chuyện, tâm sự đầy trăn trở. Tuổi trẻ được đo bằng năm học, hạnh phúc được đo bằng nụ cười, sự trưởng thành của các thế hệ học trò. Hòa niềm riêng với việc chung, các thầy cô miệt mài, tận tụy dìu dắt trò nghèo vững bước tương lai, góp phần xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn biên cương Tổ quốc.     

Thu Hường – Tuấn Nam

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết