Các em học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chảy rất vui khi được học môn Tin học.
Tin học là môn học được học sinh ở vùng cao Nậm Chảy, huyện Mường Khương đặc biệt yêu thích. Nhất là với những học sinh mới được đưa từ điểm trường lẻ ra trường chính học tập. Khó có thể diễn tả được sự háo hức, niềm vui của các em khi được tiếp cận với những kiến thức thú vị, hấp dẫn trong mỗi giờ học Tin. Em Ly Xuân Lan, học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chảy, huyện Mường Khương chia sẻ: "Em rất thích môn Tin học, vì được thầy dạy vẽ, dạy soạn thảo văn bản, được thi Trạng Nguyên. Trong máy tính cũng có rất nhiều cái hay".
Để nhân thêm niềm vui tới trường cho những em nhỏ vùng cao còn nhiều khó khăn, thời gian qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đã có nhiều cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin cho các trường học. Ông Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho biết: "Đoàn kết nối kêu gọi các nhà hảo tâm tham gia cùng đoàn, với mục tiêu để các cháu có điều kiện được tiếp cận với công nghệ thông tin, đem lại hiệu quả công tác dạy và học nhà trường. Xây dựng nhà trường ngày càng chất lượng, hoàn thiện hơn về cơ sở vật chất. Đáp ứng yêu cầu của ngành Giáo dục trong điều kiện hiện nay".
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai trao tặng máy tính cho các em học sinh.
Nhờ thực hiện công tác xã hội hóa, từ vùng thấp đến vùng cao, từ trường thuận lợi cho tới cả những điểm trường xa xôi, khó khăn, những tiết học có ứng dụng công nghệ thông tin được tổ chức ngày càng nhiều và hiệu quả mang lại cũng ngày càng tích cực. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nậm Tha, huyện Văn Bàn chia sẻ: "Dù là trường khó khăn nhưng chúng tôi cũng đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp. Hiện trường có đủ phương tiện ti vi, máy chiếu để triển khai giáo dục phổ thông mới cho lớp 1 từ đầu năm học".
Thời gian này, chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng đang được đẩy mạnh, huy động được sự vào cuộc tích cực của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đến nay đã có gần 6 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt cùng nhiều hiện vật được ủng hộ cho chương trình. Đây là nguồn lực quan trọng giúp học sinh vùng cao được tiếp cận với công nghệ thông tin. Đồng thời triển khai thuận lợi các hoạt động học tập trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Vân Anh - Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết