Nhiều kỳ vọng vào dự thảo Luật Nhà giáo

19:57 21-11-2024 | :73

Laocaitv.vn - Lần đầu tiên được xây dựng, dự án Luật Nhà giáo chính thức được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Dự thảo Luật Nhà giáo gồm: 9 Chương, 50 Điều quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, nghề nghiệp, tuyển dụng, chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo... Tại Lào Cai, dự thảo Luật này đang nhận được sự quan tâm của đông đảo giáo viên công tác tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh.

 

 

Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm đó là vấn đề tiền lương, phụ cấp và chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo. Nhiều người tán thành lương nhà giáo được xếp cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp, bởi vai trò quyết định của đội ngũ giáo viên đối với sự phát triển nguồn nhân lực. Giải pháp này cũng sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều cơ sở giáo dục hiện nay.

Nhiều kỳ vọng vào dự thảo Luật Nhà giáo.

Ông Phùng Minh Thái, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS & THPT huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ, rồi chính sách về đào tạo, bồi dưỡng… thì đó là những chính sách kích thích và có lực hút rất là lớn, có thể thu hút những người giỏi vào làm nghề giáo”.

Cô giáo Trần Thị Thu Huyền, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cốc Mỳ, huyện Bát Xát chia sẻ: “Mức lương được nâng lên và có những chính sách đãi ngộ như trong dự thảo luật nêu ra, chúng tôi sẽ yên tâm hơn rất nhiều để thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn”.

Liên quan đến đảm bảo nhân lực cho các cơ sở giáo dục, Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư đánh giá cao Dự thảo Luật khi trao quyền tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng được nêu tại điểm a, b khoản 2, Điều 16.

Với bậc mầm non, nhiều thầy, cô giáo cũng tán thành với Điều 30 của Dự thảo Luật đó là quy định giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu trước 5 tuổi so với quy định của Bộ Luật Lao động .

Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cho biết: “Ngành giáo dục là ngành mang tính chuyên môn, chuyên sâu. Các nhà giáo phải được đào tạo, không chỉ về kiến thức mà còn về tư tưởng, phẩm chất, nghiệp vụ, đặc biệt là về nghiệp vụ. Tôi thấy khi nào thẩm quyền của ngành giáo dục về quản lý nhân lực, nắm con người được tăng cường thì hiệu quả cao hơn”.

Với bậc mầm non, nhiều thầy, cô giáo cũng tán thành với Điều 30 của Dự thảo Luật đó là quy định giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu trước 5 tuổi so với quy định của Bộ Luật Lao động mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu là phù hợp với ngành học đặc thù.

Cô giáo Cù Thị Phương Thảo, Trường Mầm non Lao Chải, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Với giáo viên công tác ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo, cũng như vùng có thời tiết khí hậu khắc nghiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của giáo viên chúng tôi. Việc giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên là việc thực sự quan trọng”.

Hôm qua 20/11, trong phiên thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã thảo luận, phân tích, làm rõ nội dung, sự cần thiết của Luật Nhà giáo. Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội xem xét, thông qua, tạo động lực để các nhà giáo thêm yên tâm công tác, gắn bó với nghề./.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết