Hồi ức của người lính từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam

05:53 30-04-2020 | :2726

Laocaitv.vn - 45 năm đã đi qua, nhưng những ký ức về một thời hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” vẫn mãi được khắc ghi trong trái tim và trí óc mỗi người lính năm xưa. Ðể rồi những ngày cuối tháng 4 này, những ký ức ấy lại ùa về với bao xúc cảm dâng trào. Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng hoàn toàn niền Nam thống nhất đất nước này, lại làm ông Nguyễn Thạc Lai, ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, người cựu binh năm xưa đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước nhớ về những ngày tháng gian khổ, nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc.

Các cánh quân ùn ùn đổ về Dinh Độc Lập. (Ảnh: khoahocphattrien.vn)

Từng là lính trinh sát của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư 10, Quân đoàn 3, ông Nguyễn Thạc Lai chia sẻ: Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã cùng đồng đội trải qua rất nhiều trận đánh, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Với ông mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch đều là những kỷ niệm không bao giờ quên. Nhưng có 2 trận đánh mà ông nhớ nhất đó là trận đánh mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên và trận đánh cuối cùng là tiến vào Dinh Độc Lập trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhớ lại trận đánh đầu tiên mình được tham gia, ông Nguyễn Thạc Lai cho biết: Ngày 8 tháng 3 năm 1975, ông cùng đồng đội tham gia trận đánh mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên. Trận đánh này nhằm lôi kéo quân địch ở Buôn Mê Thuật và các hướng dồn về Tây Nguyên, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực và các đơn vị bạn tiến đánh và giải phóng Buôn Mê Thuật. Các trận đánh trong chiến dịch mở đầu này, ác liệt nhất là trận đánh cao điểm Núi lửa, Măng đen. Khi phát hiện khẩu đội DKZ của ta, quân địch từ trên đồi Núi lửa, Măng Đen đã huy động toàn bộ vũ khí đạn dược nã vào đội hình tấn công của ta. Nhưng do có sự chuẩn bị chu đáo, chỉ sau 2 giờ chiến đấu, quân ta đã toàn thắng. Đóng góp và thắng lợi trong trận đánh mở màn của chiến dịch có một phần công sức không nhỏ của những người lính trinh sát như ông. Để chuẩn bị cho trận đánh này, ông và đồng đội đã thực hiện trinh sát xem trên trận địa có bao nhiêu lô cốt, dây thép gai, hướng mở cửa tấn công thuận lợi nhất là ở đâu?. Sau đó đưa cán bộ Tiểu đoàn, Trung đoàn vào tiếp tục trinh sát trận địa. Sau khi hoàn thành việc trinh sát trận địa, cán bộ Tiểu đoàn và Trung đoàn tổ chức huấn luyện cho bộ đội và tiến đánh. Để xâm nhập được vào trận địa của địch, ông và đồng đội phải luồn qua không biết bao nhiều hàng rào dây thép gai, phải nằm trườn trên đất, có nhiều khi hàng rào dây thép gai của địch cào, đâm vào da thịt đau buốt, máu chảy, nhưng ông và đồng đội vẫn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bộ đội ta tấn công và giành thắng lợi.

Sau trận đánh mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, ông cùng với đồng đội tiếp tục thực hiện công tác trinh sát, nắm địa bàn, vẽ lại bản đồ trận địa của địch để quân chủ lực các đơn vị, đánh xuống Đắc Song, Buôn Mê Thuật, giải phóng Buôn Mê Thuật. Rồi từ đó lại tiếp tục đánh về phía Nam, Đèo Phượng Hoàng và Nha Trang… Cũng vào thời điểm này, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương quyết tâm giải phóng niền Nam trước mùa khô năm 1975, điều này đã làm cho các chiến sỹ vô cùng hồ hởi phấn khởi, cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tập trung tiến vào Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của quân địch để sớm giải phóng miền Nam với phương châm “ Thần tốc, thần tốc”. Trong khi di chuyển gần đến Sài Gòn, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ đánh vào phía Tây Bắc Tân Sơn Nhất, để ngăn chặn không cho quân địch tháo chạy. Để thực hiện nhiệm vụ này, ông và các đồng đội đã thực hiện tốt công tác trinh sát toàn bộ sân bay, thêm vào đó lúc này tinh thần của quân địch đã hoang mang, dao động cực độ, nên việc đánh chiếm phía Tây Bắc Sân bay Tân Sơn Nhất không gặp nhiều khó khăn. Sáng ngày 30/4, ông cùng đồng đội tiến quân vào Sài Gòn, lúc đầu vô cùng căng thẳng, do địch quyết tâm chống cự đến cùng. Địch từ trên các tòa nhà cao tầng dùng DKZ, súng đại liên, hỏa lực tấn công vào lực lượng tiến công của ta. Nhưng lúc này tinh thần cách mạng, khí thế tấn công của quân ta đã lên cao đến đỉnh điểm, nên ông và đồng đội vẫn tiếp tục anh dũng vượt qua làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù để tiến về Dinh Độc lập. Khi chiếm được Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của kẻ thù tất cả anh em chiến sỹ vỡ òa trong niềm hạnh phúc trào dâng. 

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, thật không dễ để phác họa lại một hành trình đầy gian khó và những hy sinh to lớn, song vô cùng vẻ vang của người lính Cụ Hồ năm xưa. Nhưng từ những câu chuyện, những hồi ức của những người lính từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung và của ông Nguyễn Thạc Lai nói riêng, như một minh chứng sống động, chân thực nhất để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ và tri ân./.

Huyền Trang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết