Kết nối lao động làm việc ngoài tỉnh

09:01 27-12-2024 | :91

 

Laocaitv.vn - Cùng với đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, thì việc hỗ trợ, kết nối, đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh đang là giải pháp được nhiều địa phương triển khai, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ghi nhận tại huyện Bát Xát.

 

Anh Phây có 2 con trai đang làm việc tại các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc và Bắc Ninh. Mỗi tháng, các con gửi tiền về hỗ trợ bố mẹ trang trải cuộc sống. Cùng với phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, anh Phây đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang, kiên cố.

Anh Phây rất vui vì mỗi tháng các con gửi tiền về hỗ trợ trang trải cuộc sống.

Anh Tẩn Kim Phây, thôn Ná Nàm, xã Bản Qua, huyện Bát Xát chia sẻ: “Không cần bố mẹ lo thì cũng phấn khởi, sau này tiết kiệm vốn thì về tự lập nghiệp có các phương án khác bố mẹ”.

Hết năm 2024, xã Bản Qua chỉ còn hơn 10% hộ nghèo. Ngoài đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, địa phương cũng quan tâm hỗ trợ, kết nối đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh. Người dân có việc làm, thu nhập ổn định cũng đã tích lũy, xây dựng nhà ở, hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả.

Quan tâm hỗ trợ, kết nối đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh.

Ông Bùi Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Qua, huyện Bát Xát nói: “Đi lao động về có thu nhập ổn định, được đóng bảo hiểm, các bạn về tuyên truyền cho nhau thì cũng cùng nhau đi làm tại các doanh nghiệp”.

Từ năm 2020 đến nay, huyện Bát Xát tổ chức 174 phiên giao dịch việc làm, giúp người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số được tiếp cận doanh nghiệp và thị trường lao động. Qua đó, đã giải quyết, tạo việc làm mới cho trên 8.100 lao động, riêng năm 2024, gần 1.700 lao động có việc làm mới.

Ông Nguyễn Trung Hòa, Phó Trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Bát Xát cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện mời các đơn vị, doanh nghiệp trong nước như các công ty tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, đồng thời mời các đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động chủ yếu tập trung thị trường Đài Loan, Nhật Bàn và Hàn Quốc”.

Bà Bàn Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết thêm: “Chúng tôi tiếp tục cho khảo sát các đối tượng trong độ tuổi để phân loại cụ thể từng đối tượng. Bố trí phối hợp cùng doanh nghiệp trên địa bàn để bồi dưỡng, nâng cao trình độ cũng như tổ chức tập huấn, học nghề theo trình độ từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng phù hợp với từng trình độ chuyên môn của các lao động tại địa phương”.

Đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm và dạy nghề, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động đã góp phần tích cực để hết năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bát Xát còn 25%, giảm hơn 15% so với năm 2020.

Vân Anh – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết