Ký ức của người lính về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

20:04 30-04-2020 | :1860

Laocaitv.vn - Những ngày này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang bồi hồi, náo nức kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020). 45 năm đã đi qua, nhưng những ký ức về một thời hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí mỗi người lính từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Những câu chuyện, những hồi ức của người lính trinh sát Bùi Đình Thẩm, ở phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai về cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam mà chúng tôi đề cập trong phóng sự sau sẽ phần nào khắc họa những gian khổ nhưng cũng đầy vinh dự về một thời lịch sử hào hùng.

Cựu chiến binh Bùi Đình Thẩm kể lại kỷ niệm chiến đấu với đầy sự tự hào.

Những kỷ vật thời chiến luôn được ông Bùi Đình Thẩm ở tổ 34, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai gìn giữ như báu vật của cuộc đời. Mỗi kỷ vật là một sự gợi nhắc về từng trận đánh và quá khứ hào hùng của ông và đồng đội.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Bùi Đình Thẩm khi ấy vừa tròn đôi mươi là lính Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ là lính trinh sát, đi trước để bám, nắm tình hình bố trí binh, hỏa lực và ý đồ của địch làm cơ sở cho chỉ huy trung đoàn ra những quyết định tác chiến kịp thời, chính xác để tránh tổn thất, thương vong, giành chiến thắng. Đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 325 của ông vinh dự được chọn là một trong 5 cánh quân thực hiện tấn công theo hướng Đông – Bắc để giải phóng Huế và tiếp tục hành quân, tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ông Bùi Đình Thẩm, nguyên lính trinh sát Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 chia sẻ: "Khi vào đến Ninh Thuận gặp địch đó là phòng tuyến tử thủ Phan Rang. Trinh sát được giao nhiệm vụ thì chết cũng đi, chúng tôi chia thành những nhóm nhỏ trà trộn luồn sâu vào lòng địch để lấy thông tin, báo lại cho phía sau. Dù khó khăn, nguy hiểm nhưng vì độc lập dân tộc nên ai cũng quyết tâm vươn lên".

Vượt qua những hiểm nguy tại Đà Nẵng, ông Bùi Đình Thẩm cùng đồng đội tiến hành hiệp quân và tiếp tục chiến đấu giải phóng quận Long Thành – Nhơn Trạch. Sau đó thực hiện trinh sát rò la tình hình cho các cánh quân phía sau tiến sâu vào trung tâm Sài Gòn. Tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ và một số nguyên nhân khách quan nên đơn vị ông không thể hợp quân cùng 2 đơn vị khác của Sư đoàn để tiến vào Dinh Độc Lập đầu tiên. Nhưng đến gần 12h trưa ngày 30/4 khi tiếp cận được Dinh Độc Lập với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, khi ấy những cảm xúc, niềm hạnh phúc đã vỡ òa trong ông và đồng đội.

Những hồi ức của người lính sẽ mãi là minh chứng sống động, chân thực nhất cho hế hệ hôm nay và mai sau.

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, thật không dễ để phác họa lại một hành trình đầy gian khó và những hy sinh to lớn, song vô cùng vẻ vang của người lính Cụ Hồ năm xưa. Nhưng từ những câu chuyện, những hồi ức của những người lính trinh sát từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước như một minh chứng sống động, chân thực nhất để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ và tri ân, từ đó có những việc làm, hành động cụ thể để viết tiếp bản hùng ca hào hùng của dân tộc.

Mai Huệ - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết