Lắng nghe trẻ em nói

08:55 13-12-2021 | :805

Laocaitv.vn - Theo Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, gồm quyền được bảo vệ, sống còn, phát triển và tham gia của trẻ em đã và đang được thực hiện thì quyền tham gia của trẻ em chưa sâu rộng. Việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Hay nói cách khác, tiếng nói của trẻ em vẫn chưa được thực sự lắng nghe.

Tháng 4 năm 2016, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) và đổi tên thành Luật Trẻ em. Một trong những điểm mới của luật là khuyến khích “trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”. Tuy nhiên trên thực tế, tiếng nói của trẻ em đã được người lớn quan tâm hay chưa? Em Phùng Hà Thảo Vy, Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Lào Cai chia sẻ: "Ở nhà em thường hay bày tỏ những ý kiến của em cho bố mẹ và bố mẹ em cũng tôn trọng ý kiến của em. Lắng nghe, chia sẻ, nếu ý kiến của em đưa ra đúng và hợp lí thì bố mẹ sẽ đồng ý".

Mặc dù công việc bận rộn nhưng chị Phương vẫn dành thời gian chia sẻ cùng các con.

Em Nguyễn Thị Vân Anh, Trường THCS Nam Cường, thành phố Lào Cai cho biết: "Hằng ngày bố mẹ cũng thường nghe em tâm sự. Cũng có một số trường hợp bố mẹ em không quan tâm cũng không lắng nghe em nói. Nhiều lúc em thấy là mình nói đúng, nhưng bố mẹ luôn suy nghĩ là mình sai và cãi lại bố mẹ".

Em Nguyễn Ngọc Anh, Trường THCS Nam Cường, thành phố Lào Cai chia sẻ: "Nếu như em không được bố mẹ hay thầy cô lắng nghe, em cảm thấy như bị bỏ rơi, bỏ mặc, lúc đó ảnh hưởng đến tâm trạng và không thể chú ý vào việc gì được".

Rõ ràng, không phải bậc cha mẹ nào cũng dành thời gian để lắng nghe con. Chưa bàn đến việc những ý kiến của các em là chính đáng hay không. Đối với các em, việc được người lớn dành thời gian lắng nghe, để các em được chia sẻ ý kiến của mình là đã thể hiện sự quan tâm và tôn trọng các em. Vì vậy trong gia đình, các bậc cha mẹ hãy dành thời gian nhiều hơn nữa để lắng nghe trẻ em nói.

Là mẹ của 3 bạn nhỏ, công việc rất bận rộn, nhưng chị Phạm Thị Phương ở phường Lào Cai, TP Lào Cai vẫn luôn dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ, những câu chuyện hằng ngày của các con. Bởi hơn ai hết, chị Phương hiểu rằng con cái cần được bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình để các con cảm thấy được tôn trọng và tự tin hơn trong cuộc sống. Chị Phương chia sẻ: "Tôi hiểu rằng các con cũng có quan điểm của mình. Vì vậy tôi luôn lắng nghe con, tôn trọng các con và đồng hành cùng với con trong mọi bước đường cuộc sống".

Em Trần Kim Ngân, con gái chị Phạm Thị Phương chia sẻ: "Em rất yêu gia đình em. Hằng ngày em đi học về mẹ thường kể chuyện và còn chơi với em nữa. Em thường kể cho mẹ nghe chuyện ở trên lớp. Mẹ lúc nào cũng lắng nghe em nói nê e thấy rất vui". 

Anh Dũng rất vui khi trở thành người bạn thân với các con, để được nghe những điều các con nói.

Còn với gia đình anh Phan Văn Dũng ở phường Kim Tân, 2 con của anh luôn coi bố mẹ là những người bạn thân nhất để có thể thoải mái chia sẻ mọi chuyện ở trường lớp, hay các vấn đề trong cuộc sống. Các thành viên trong gia đình anh Dũng cũng luôn trò chuyện với nhau sau mỗi ngày học tập và làm việc vất vả. Anh Dũng chia sẻ: "Trong giai đoạn tuổi đang lớn của các con có rất nhiều những thắc mắc, nhiều câu hỏi. Đặc biệt thời đại công nghệ, nhiều thông tin ở bên ngoài cũng không được chính xác thì bố mẹ phải dành thời gian nói chuyện với các con".

Em Phan Thanh Ngọc, con gái anh Dũng cho biết: "Khi con chia sẻ thì bố mẹ luôn thấu hiểu và trả lời rõ những câu hỏi của con. Con cảm thấy vui vì câu hỏi của mình đã có câu trả lời và được giải đáp".

Cha mẹ và các thành viên trong gia đình là những người đầu tiên và luôn luôn gần gũi, trò chuyện với con. Khi con cái được cha mẹ lắng nghe, được nói lên suy nghĩ của mình thì đây cũng là yếu tố tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các con phát triển toàn diện ngay từ chính gia đình.

Thế nhưng, chỉ gia đình thôi là chưa đủ. Nhà trường – nơi các em được học tập và rèn luyện mỗi ngày cũng cần phải có sự chung tay, phối hợp với gia đình trong việc sẵn sàng, chủ động lắng nghe trẻ em nói.

Hộp thư "Điều em muốn nói" của trường Tiểu học Chu Văn An đã phát huy hiệu quả.

Một buổi sinh hoạt chuyên đề với chủ đề "Điều em muốn" tại Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Lào Cai. Bằng nhiều hình thức khác nhau, như chơi trò chơi, vẽ tranh, đóng kịch, thuyết trình… các em đã được nói lên suy nghĩ, được bày tỏ quan điểm của mình trước những vấn đề trong cuộc sống và những điều thắc mắc của các em luôn được các cô giáo lắng nghe và giải đáp. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Lào Cai cho biết: "Nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh trong rất nhiều những diễn đàn như là Lắng nghe trẻ em nói. Nếu như điều các em mong muốn, là mong muốn về phía cha mẹ thì chúng tôi sẽ có liên hệ trực tiếp với phụ huynh".

Hộp thư "Điều em muốn nói" của trường Tiểu học Chu Văn An cũng là cách để các thầy cô lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Nhờ hộp thư mà nhiều em đã mạnh dạn bày tỏ với thầy cô hơn. Em Nguyễn Phương Thảo, lớp 4A2, Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Lào Cai chia sẻ: "Nhờ có hộp thư mà chúng em có thể viết ra những điều mà chúng em muốn nói". 

Để trẻ em mạnh dạn nói ra những điều các em nghĩ không phải là chuyện dễ dàng. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động để khuyến khích các em bày tỏ ý kiến, thì điều quan trọng nhất là thầy cô giáo phải luôn tạo cho các em niềm tin, sự tôn trọng một cách chân thành. Cô giáo Hoàng Thị Minh Thư, giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Lào Cai chia sẻ: "Chúng tôi luôn gần gũi, chia sẻ với các em. Trong mỗi đầu giờ sáng, chúng tôi luôn dành thời gian 5 phút để các em chia sẻ, hôm nay bạn thế nào, bạn mong muốn điều gì. Cứ như vậy, các em dần bỏ được khoảng và nói lên được điều suy nghĩ của mình".

Các em được bày tỏ ý kiến của mình chính là đảm bảo quyền tham gia của trẻ em, để các em phát triển toàn diện hơn.

Để các em được bày tỏ ý kiến, nói lên suy nghĩ của mình, bằng cách này hay cách khác, dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng đều là các biện pháp đảm bảo thực hiện quyền tham gia của trẻ em, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện. 

Trẻ em cần sống với cảm xúc và mơ ước của mình. Do vậy tiếng nói trẻ em cần được gia đình, nhà trường và xã hội ghi nhận và tôn trọng. Điều đó giúp tạo dựng một môi trường, tâm lý tự tin để trẻ phát triển toàn diện, phát huy được hết tố chất và tiềm năng của mình.

Nhóm phóng viên

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết