Laocaitv.vn - Điều hòa khi không sử dụng cũng vẫn gây tốn điện nếu bạn không ngắt nguồn. Nắm bắt một số kiến thức sau, bạn sẽ không phải sửng sốt khi cầm hóa đơn tiền điện cuối tháng.
Laocaitv.vn - Điều hòa khi không sử dụng cũng vẫn gây tốn điện nếu bạn không ngắt nguồn. Nắm bắt một số kiến thức sau, bạn sẽ không phải sửng sốt khi cầm hóa đơn tiền điện cuối tháng.
Giá điện đã tăng từ ngày 20/3 và ảnh hưởng đến hóa đơn điện tháng này. Hiện tại lại đúng thời điểm nắng nóng đầu hè khiến hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình tăng đột biến.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, tiền điện phải trả thêm của mỗi hộ gia đình sau khi giá điện tăng là 7.000 - 77.200 đồng/tháng nếu sử dụng dưới 400 số điện (kWh). Tuy nhiên, vào mùa nắng nóng, do sử dụng điều hòa liên tục, lượng điện năng tiêu thụ sẽ tăng trung bình khoảng 50%.
Dùng điều hòa đúng cách để không "đốt" tiền điện. Ảnh: Hoàng Dương
Ví dụ một gia đình bình thường dùng khoảng 300 số điện, tương đương khoảng 690.000 đồng theo cách tính giá mới thì đến mùa nóng, lượng điện tiêu thụ có thể lên đến 500 số điện, tương đương khoảng 1,32 triệu đồng, tức là gần gấp đôi so với mức thông thường, trong đó phần nhiều tiền điện là do chạy điều hòa.
Do đó, áp dụng một số ‘mẹo’ sau khi sử dụng điều hòa sẽ giúp chúng ta tiết kiệm điện đáng kể.
Không để nhiệt độ quá thấp
Theo tính toán, khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C, điện năng tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng thêm từ 1,5 đến 3% tùy vào loại máy và cách sử dụng. Nếu nhiệt độ điều hòa hạ thấp xuống 25 độ C từ mức 26 độ C, điện năng tiêu thụ cũng lớn hơn 1,5 đến 2,5%.
Để tiết kiệm điện, chúng ta cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 đến 28 độ C. Nhiệt độ điều hòa chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời từ 10 đến 12 độ C là hợp lý về tiêu thụ điện. Việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe.
Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 đến 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.
Điều hòa bị bẩn hoặc sử dụng quá lâu cũng gây lãng phí điện năng
Sau một thời gian sử dụng, các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh thường bị bẩn, thậm chí rêu mốc khiến máy lạnh hoạt động kém hiệu quả, tốn điện và gây hại cho sức khỏe. Việc vệ sinh giàn lạnh khá đơn giản, có thể tự thực hiện và nên làm sau khoảng 3 đến 5 tháng.
Sau thời gian dài sử dụng, gas lạnh có thể bị hao hụt, dầu máy bị bẩn cũng như các chi tiết cơ khí bị mài mòn. Hiệu quả làm lạnh có thể bị giảm tới 10 đến 15%. Việc bảo trì vệ sinh đúng cách sẽ giúp kéo dài tuổi thọ điều hòa.
Thông thường, điều hòa có hạn dùng từ 7 đến 15 năm tùy nhà sản xuất. Nếu vào mùa nóng dùng điều hòa từ 5 đến 10 tiếng mỗi ngày, vệ sinh đúng cách, hạn dùng có thể lên đến 15 năm.
Điều hòa khi không sử dụng cũng vẫn gây tốn điện
Các thiết bị điện tử như quạt, điều hòa, TV, khi tắt máy thì bảng điều khiển và một số linh kiện vẫn phải hoạt động ở chế độ chờ và gây tiêu tốn năng lượng.
Với điều hòa, nếu không ngắt hẳn nguồn điện cấp, lượng điện tiêu thụ vào khoảng 8 đến 20 Watt mỗi giờ, tương đương một bóng đèn LED nhỏ. Con số này không hề nhỏ nếu sử dụng nhiều điều hòa hay các thiết bị điện khác.
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết