Mùa xuân này nơi biên giới Mường Khương

21:31 17-02-2022 | :429

Laocaitv.vn - Lào Cai có trên 180 km biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Nhờ những chủ trương, chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước, các địa phương biên giới của Lào Cai đã có những đổi thay rõ nét. Bà con các thôn bản biên cương không chỉ thi đua phát triển kinh tế, làm quen với sản xuất hàng hoá mà còn tích cực góp sức xây dựng quê hương. Ghi nhận tại huyện biên giới Mường Khương.

Nông dân xã Tả Ngài Chồ phát triển kinh tế hiệu quả từ trồng lê tai nung.

Xã Tả Ngài Chồ từng là vùng đất khô cằn. Cảnh người dân di cư, bỏ làng bỏ bản cách đây hơn hai, ba mươi năm không phải hiếm. Thế nhưng trải qua những thời khắc gian khó nhất, giờ đây, người Mông Tả Ngài Chồ đã làm nên những kì tích trên vùng đất khô cằn, khi đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Nhà xây mới khang trang giữa bản làng, "quả ngọt đã đơm hoa, kết trái" trên núi đá. "Trước kia, cả vụ ngô gia đình tôi thu được tầm 30 triệu đồng. Vụ đầu tiên lê được thu hoạch, mới hái bán được 3 ngày tôi cũng thấy được bằng tiền bán ngô cả năm rồi. Mấy nữa mà cây lê phát triển hơn, ra nhiều quả, thì sẽ phải được gấp 4 - 5 lần, thậm chí là gấp 10 lần trồng ngô", anh Thào Seo Lìn, thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương cho biết.

Những năm gần đây, vùng biên Pha Long cũng đã có đổi thay tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Những nếp nhà khang trang mọc lên dọc biên cương Tổ quốc. Pha Long trở thành xã thứ 5 của huyện Mường Khương về đích nông thôn mới, người dân cũng chủ động hơn trong xóa đói, giảm nghèo. "Nguồn vốn của gia đình ít nên tôi chọn nuôi gà. Để làm được, tôi đi học hỏi kinh nghiệm nuôi gà ở các trại lớn, rồi 2 vợ chồng tự hoàn thiện chuồng trại, làm hệ thống uống nước tự động", anh Vàng A Hồng, thôn Nì Xỉ, xã Pha Long, huyện Mường Khương chia sẻ.

Mùa xuân này, khắp biên giới Mường Khương rực rỡ sắc hoa.

Đất khô cằn nơi vùng cao núi đá cũng đã nở hoa, huyện Mường Khương đến nay đã phát triển được các vùng nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện hiện có trên 16.800 ha cây trồng hàng hóa, mang lại nguồn thu hơn 640 tỷ đồng mỗi năm. "Mường Khương được ví là vùng đất thép. Với truyền thống kiên cường, Nhân dân Mường Khương vượt khó bám trụ từng tấc đất để giữ biên cương. Chúng tôi tin rằng với hơn 71 km đường biên giới, Mường Khương sẽ được giữ vững và phát triển trong tương lai", ông Hoàng Trường Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương nói.

Còn đó những khó khăn, nhưng xuân này, biên giới Mường Khương vẫn sặc sỡ chợ phiên, thắm sắc hoa đào. Nét bình yên hôm nay sẽ tiếp thêm sức mạnh để Nhân dân các dân tộc nơi đất thép thêm quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, góp sức giữ vững cương thổ quốc gia.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết