Laocaitv.vn - Tảo hôn luôn là vấn đề nóng tại nhiều địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành với những giải pháp mềm dẻo và kiên quyết đã giảm thiểu được đáng kể tình trạng này. Tuy nhiên, ở không ít nơi, nạn tảo hôn vẫn chưa được giải quyết triệt để, cản trở tiến trình phát triển và cuộc sống của mỗi gia đình.
Quen nhau qua mạng xã hội, Hảng Thị Chú khi đang học lớp 8 đã đồng ý để bạn trai kéo về làm vợ trong lần đi chơi ở thị xã Sa Pa. Rất may, các thầy cô giáo đã can thiệp và vận động kịp thời để gia đình cho Chú quay trở lại trường học.
Em Hảng Thị Chú chia sẻ: "Lúc ấy em và bạn ấy vẫn còn yêu nhau, em chưa biết suy nghĩ nên khi bạn ấy kéo thì em theo bạn ấy đi về. Các thầy cô cũng khuyên bảo em cố gắng học tập, sau này có công việc ổn định rồi thì mới về ở với nhau".
Năm học mới, thị xã Sa Pa có 68 trường hợp học sinh chưa ra lớp; theo nắm bắt của các thầy cô giáo, khoảng 20 trường hợp có dấu hiệu nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng. Đây là con số đáng buồn của ngành Giáo dục và chính quyền địa phương.
Ông Lý Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND phường Sa Pả, thị xã Sa Pa cho biết: "Phường đã củng cố hồ sơ chuyển cơ quan công an khởi tố một vụ tảo hôn xảy ra trên địa bàn, hiện đang trong quá trình điều tra. Hy vọng rằng có những bài học giáo dục răn đe để các gia đình thấy được tác hại của tảo hôn mà tránh được tình trạng này".
Để giải quyết triệt để nạn tảo hôn cần có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn. (ảnh minh họa)
9 tháng năm 2022, các địa phương đã tuyên truyền, vận động được 157 người từ bỏ ý định tảo hôn, trong đó có 51 trường hợp là học sinh. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn có tới 117 người chưa đủ tuổi kết hôn nhưng đã sống chung với người khác như vợ chồng, trong đó có 55 học sinh. 93% số trường hợp tảo hôn rơi vào cộng đồng người dân tộc Mông. Công tác quản lý, nắm bắt tình hình để ngăn chặn tình trạng này đang trở thành vấn đề cấp thiết đặt ra.
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai cho biết: "Thời điểm này chúng tôi còn 6 trường hợp tảo hôn, rơi vào 3 xã, các xã cũng phối hợp với các nhà trường để tuyên truyền, lồng ghép với nhiều hình thức. Đặc biệt, việc các em học sinh được mang điện thoại đến trường kéo theo nhiều vấn đề, chúng tôi cũng phải quản lý thật chặt".
Chiến lược nâng cao chất lượng dân số đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản không còn tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh... Mục tiêu này có đạt được hay không đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và các ngành chức năng. Giải quyết triệt để vấn nạn tảo hôn không phải chuyện một sớm một chiều, nhưng sẽ thành công nếu có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn.
Thu Hường – Tuấn Nam
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết