Laocaitv.vn - Hiện, bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở hơn 100 nước trên thế giới với gần 70.000 trường hợp mắc bệnh. Ngày 3/10, Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi đi du lịch về từ Trung Đông. Trước diễn biến của dịch bệnh, ngành Y tế Lào Cai đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chủ động phòng tránh.
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai đã tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người. Gần 200 cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện được cập nhật kiến thức về các giai đoạn tiến triển, thể lâm sàng của bệnh từ không triệu chứng đến nặng, biến chứng gây viêm phổi, nhiễm trùng huyết… Qua đó, giúp đội ngũ y bác sỹ kịp thời chẩn đoán, phát hiện sớm các ca bệnh để có phác đồ điều trị hiệu quả nếu có ca bệnh xuất hiện.
Bác sĩ Hoàng Trung Úy, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai cho biết: "Hiện tại, tất cả nhân viên của khoa cũng như của Bệnh viện Sản Nhi đều phải cập nhật kiến thức để nắm rõ bệnh đậu mùa khỉ như thế nào, phương pháp phòng chống như thế nào để sẵn sàng ứng phó".
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Cùng với tập huấn, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai cũng tăng cường công tác phân luồng bệnh nhân, khai thác kỹ tiền sử, yếu tố dịch tễ, đặc biệt là ở các bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao, đau cơ, sưng hạch và phát ban.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai cho biết: "Biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ hầu như gặp ở tất cả các cơ quan, đặc biệt là biến chứng về da gây nhiễm trùng huyết, biến chứng về thần kinh gây viêm não và biến chứng toàn thân có thể dẫn đến tử vong rất nhanh. Chúng ta cần phải lưu ý, không được tiếp xúc chỗ đông người, khi đi từ vùng dịch tễ về cần báo cơ sở y tế, đồng thời theo dõi các triệu chứng như sốt, phát ban, đau mỏi người. Khi có các triệu chứng như vậy thì đến cơ sở y tế để khám, phân loại và xét nghiệm".
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh, ngay từ đầu tháng 8, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ. Đặc biệt là đưa ra các giải pháp cụ thể yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan, đơn vị có liên quan vào cuộc thực hiện nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn không phát sinh thành dịch.
Bác sĩ Dương Thái Hiệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Lào Cai thông tin thêm: "Tiếp tục rà soát các hướng dẫn về chuyên môn để tổ chức tập huấn cho cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Rà soát và đảm bảo đầy đủ các vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch bệnh, không để bị động trước tình hình dịch bệnh".
Bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm do tiếp xúc gần hay dùng chung đồ với người nhiễm bệnh. Theo thông báo từ Tổ chức Y tế thế giới WHO, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị nào cho bệnh đậu mùa khỉ. Do vậy, nâng cao kiến thức và chủ động phòng tránh vẫn là những giải pháp tối ưu để hạn chế dịch bệnh lây lan.
Vân Anh - Lương Mạnh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết