Laocaitv.vn - An toàn thực phẩm trong các bếp ăn trường học không phải là vấn đề mới nhưng luôn nóng, bởi vẫn còn rất nhiều những khó khăn, hạn chế chưa thể khắc phục. Gần đây nhất, trong tháng 10, gần 60 em học sinh tại huyện Bảo Yên được xác định bị ngộ độc thực phẩm khi ăn bán trú tại trường. Vậy đâu là nguy cơ và cần phải khắc phục những tồn tại như thế nào?
Các ban ngành thăm hỏi các em học sinh huyện Bảo Yên bị ngộ độc thực phẩm khi ăn bán trú tại trường.
Theo kết quả kiểm nghiệm mẫu phục vụ công tác điều tra sự cố về an toàn thực phẩm từ Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy, có 4/7 mẫu thực phẩm lấy tại các bữa ăn ngày 01/10/2020 của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên có kết quả nhiễm 2 loại vi sinh là E.Coli và Coliforms. Nguyên nhân có thể do môi trường chế biến, các dụng cụ chứa đựng, chia gắp không đảm bảo vệ sinh hoặc tay người chế biến không sạch sẽ gây nên vụ ngộ độc thực phẩm nói trên. Như vậy, mối lo về an toàn thực phẩm không chỉ đến từ nguyên liệu nấu nướng mà còn tiềm ẩn trong quá trình chế biến chưa đạt tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Hải Sơn, Chi Cục trường Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai cho biết: “Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy nền sàn bếp ẩm ướt, các dụng cụ nấu nướng thì bị han rỉ, hay tay người ăn vẫn còn chưa đảm bảo. Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát lại các bếp ăn tại các trường học để đảm bảo cho các cháu có được những bữa ăn bán trú an toàn”.
Đoàn kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên.
Bếp ăn của Trường THPT số 4 thành phố Lào Cai là một trong những bếp ăn còn tồn tại nhiều hạn chế được Chi cục An toàn thực phẩm chỉ ra trong quá trình tiến hành kiếm tra rà soát, như chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, thiếu đầu tư về dụng cụ nấu nướng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong điều kiện như vậy thì bản thân những người cấp dưỡng được nhà trường ký hợp đồng cũng không thực sự tự tin vào các bữa ăn được nấu ra. Bà Trần Thị Thắng, Tổ trưởng Tổ nấu ăn Trường THPT số 4 thành phố Lào Cai cho biết: “Tất cả các thứ đều là của nhà bếp tự mua sắm, còn nhà trường chỉ cho mượn nhà ăn và bàn ghế thôi. Chúng tôi cũng bảo là không đảm bảo đâu, đề xuất với nhà trường nhiều lần. Tôi cũng rất lo vì lỡ có vấn đề gì thì tôi sẽ phải là người chịu trách nhiệm”.
Kiểm tra bếp ăn Trường THPT số 4 thành phố Lào Cai.
Trên thực tế, không ít bếp ăn tập thể trong trường học, nhất là ở vùng cao còn chưa đạt chuẩn, trang thiết bị, dụng cụ nấu nướng còn thiếu thốn chưa được đầu tư hoàn thiện. Khắc phục những khó khăn đó, các trường học của Lào Cai đang nỗ lực triển khai nhiều cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 thị xã Sa Pa cho biết: “Bên cạnh việc quan tâm cung ứng từ chế độ của Nhà nước, nhà trường đã chủ động hợp đồng mua sắm trang thiết bị cho bếp ăn, đảm bảo những điều kiện an toàn nhất cho các em học sinh".
Khuyến khích các trường học thực hiện mô hình trường học nông trại.
Để hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm ở trường học thì cần có sự an toàn ở tất cả các khâu, từ việc quản lý chặt chẽ thực phẩm đầu vào, quản lý tốt quá trình chế biến và nhân lực tham gia chế biến thực phẩm, đảm bảo tốt về cơ sở vật chất… Cùng với đó, các mô hình trường học thực tiễn, trường học nông trại nên được khuyến khích, góp phần đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho các bếp ăn trường học.
Thu Hường - Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết