Những cống hiến thầm lặng của người giáo viên cắm bản vùng cao Bắc Hà

16:01 20-11-2018 | :1303

Laocaitv.vn - Nói đến dạy và học ở các điểm trường lẻ vùng cao của một trong những huyện nghèo nhất của cả nước là nghĩ ngay đến những gian khó, vất vả. Những ngày này trên những điểm trường xa xôi, khó khăn ấy ở huyện vùng cao Bắc Hà, đội ngũ các thầy cô giáo vẫn miệt mài gắn bó với công việc gieo chữ, góp phần ươm những mầm xanh cho quê hương, đất nước. 

Ở các trường học vùng cao Bắc Hà, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số

Theo thống kê của ngành giáo dục và đào tạo huyện, hiện nay, toàn huyện Bắc Hà có hơn 1.900 giáo viên ở các cấp học từ Mầm Non đến THPT. Trong đó, có tới 2/3 các thầy cô giáo công tác ở các xã vùng cao, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn của huyện; công tác ở vùng vùng cao, dạy lớp ghép khó khăn gấp bội; có những học sinh nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc học, nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến học tập của con em mình. Đặc biệt, nhiều điểm trường nằm cách xa trung tâm, không điện lưới, đường giao thông khó khăn; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu… Tuy nhiên, đội ngũ các thầy cô ở vùng cao Bắc Hà đã tận tâm, tận lực bám lớp, bám trường, gần dân, sát dân để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần.

Quãng đường khoảng 10km di chuyển bằng xe máy của 02 cô giáo từ trung tâm xã Hoàng Thu Phố đến điểm Trường Mầm Non Lao Phú Sán phải mất đến gần 1h đồng hồ. Mặc dù đã được rải cấp phối, song mỗi khi trời mưa, việc đến trường của các thầy cô ở điểm trường này lại trở nên khó khăn gấp bội phần bởi nhiều đoạn đương trơn trượt, lầy lội. Ngoài khó khăn về đi lại, các cô cũng còn gặp không ít những khó khăn khác về cơ sở vật chất trường lớp học. Bởi trong khi chờ hoàn thiện công trình điểm trường Mầm Non mới, phân hiệu vẫn phải hoạt động trong ngôi nhà cũ được đặt nhờ ở giữa sân phân hiệu tiểu học của thôn. 2 cô giáo Mầm Non trẻ đã gắn bó ở đây năm thứ 3 với 29 em học sinh từ 3-5 tuổi, 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Gọi là điểm trường nhưng ở đây chỉ có 1 phòng học, 1 phòng ngủ cho học sinh cũng là phòng công vụ của giáo viên và 1 nhà bếp nhỏ hẹp. Đây được biết đến là phân hiệu nằm xa nhất và cũng là khó khăn nhất của xã Hoàng Thu Phố khi chưa có điện lưới Quốc gia.

Với đặc thù của huyện vùng cao, vào mùa đông khí hậu tương đối khắc nghiệt, nhất là các thôn bản vùng cao. Trong khi đó, cuộc sống của người dân vẫn còn những khó khăn nên nhiều em học sinh phải đến trường trong giá lạnh. Thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn với các em; nhiều thầy cô ở vùng cao đã không quản ngại đường xá xa xôi đến từng nhà để vận động, đưa đón học sinh đi học. Nhiều thầy cô thương yêu học sinh như con đẻ của mình, tiết kiệm từng những đồng lương ít ỏi để quyên góp mua cho các em học sinh những bộ quần áo ấm để mặc khi giá rét; chăm lo cho các em từ những bừa ăn, giấc ngủ, dạy dỗ các em điều hay lẽ phải… Chính bằng những việc làm đầy tình cảm xuất phát từ trái tim của những nhà giáo đã giúp các em tự tin hơn khi đến trường đến lớp, phấn đấu vươn lên trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

Có thể thấy, bất cứ lúc nào, ở đâu, các thầy cô giáo nơi vùng cao Bắc Hà đều thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt” và đã có rất nhiều việc làm, những tấm gương vì học sinh thân yêu của các nhà giáo. Vì lẽ đó, mỗi dịp kỷ niệm 20/11, mỗi thầy cô đã và đang công tác tại huyện vùng cao Bắc Hà đều cảm thấy vinh dự và tự hào; nguyện sẽ phát huy truyền thống, vững bước đi lên trong giai đoạn mới, mãi mãi là niềm tin yêu của nhân dân các dân tộc huyện vùng cao Bắc Hà.

 Ngọc Thủy


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết