Nỗi đau da cam

15:14 04-08-2023 | :134

Laocaitv.vn - Đã 62 năm kể từ ngày thảm họa da cam xảy ra ở Việt Nam, tại tỉnh biên giới Lào Cai, vẫn còn hàng nghìn người là nạn nhân của thứ chất độc này, hàng trăm gia đình vẫn đang xót xa với những đứa con, đứa cháu tật nguyền. Chiến tranh lùi xa, nhưng những nỗi đau còn mãi, rất cần sự sẻ chia của cả cộng đồng.

Các con của bà Inh bị tật nguyền do di chứng chất độc da cam từ bố.

Bảy lần sinh nở, cả đời vất vả, tảo tần, ở tuổi ngoài 80, bà Lục Thị Inh vẫn chưa được một ngày an yên. Chồng mất, ba con gái đi lấy chồng, bà Inh cùng 4 người con tật nguyền do di chứng chất độc da cam từ bố, nương tựa vào nhau để sống qua ngày bằng nguồn trợ cấp hàng tháng. Bà Lục Thị Inh, thôn 1 Minh Hạ, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn cho biết: “Các con không biết làm gì. Mình nấu thì có cái mà ăn, không thì cũng chỉ ngồi ở đó thôi, vất vả nhiều lắm”.

Huyện Văn Bàn hiện có 238 người là nạn nhân chất độc da cam. Cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, khi hòa bình lập lại, mang theo những di chứng của chiến tranh trở về quê hương, người lính năm xưa một lần nữa phải chiến đấu với số phận của mình, với những nỗi đau qua nhiều thế hệ. Ông La Văn Thịnh, thôn 1 Minh Hạ, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn cho biết: “Chúng tôi là người nhiễm chất độc hóa học, bản thân sinh hoạt cũng rất khó khăn. Thấy gia đình anh Pản các cháu như thế, chúng tôi cũng rất thương và thường xuyên quan tâm”.

Bà Inh rất vui mừng, vì luôn nhận được sự quan tâm từ các cơ quan đoàn thể.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có hơn 1.500 người bị nhiễm chất độc hóa học. Trong đó có khoảng 1.300 người bị ảnh hưởng trực tiếp, còn lại là con cái họ bị di chứng. Cùng với việc thực hiện chế độ chính sách dành cho các nạn nhân chất độc da cam, những năm qua, các cấp hội cũng luôn tích cực, chủ động trong vận động nguồn lực xây dựng quỹ, tạo điều kiện chăm lo và giúp đỡ hội viên. Ông Bùi Sỹ Thu, Chủ tịch Hội Nạn dân chất độc da cam/dioxin tỉnh Lào Cai cho biết: “Những người là nạn nhân chất độc da cảm, thì giờ cũng 60, 70 tuổi rồi, không còn trẻ nữa. Cuộc sống của họ rất chật vật, nên cần sự động viên, mà động viên tinh thần có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ông Dương Văn Khu, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Văn Bàn cho biết: “Chúng tôi đã thành lập những đoàn đến thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách. Tất cả các gia đình này đã được quan tâm giải quyết các thủ tục hồ sơ để các nạn nhân da cam được hưởng đầy đủ chế độ”.

Chất độc da cam chỉ là tên gọi định danh. Nhưng nỗi đau mà nó gây ra cho bao gia đình người Việt là có thật, với muôn hình, vạn trạng, khó nói hết bằng lời. Họ luôn cần sự hỗ trợ, quan tâm và chia sẻ từ cộng đồng để tiếp thêm động lực, niềm tin cuộc sống, vượt qua nỗi đau, lạc quan xây dựng cuộc sống tương lai.

Thu Hường – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết