Quyết tâm ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi

17:49 09-05-2019 | :531

Laocaitv.vn - Sau 3 tháng xuất hiện tại Việt Nam, từ ngày 01/02/2019 - 02/5/2019, dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập trên đàn lợn của 529 xã, 96 huyện của 24 tỉnh, thành phố của cả nước với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là trên 97.115 con. Nằm trong khu vực có nguy cơ cao, song đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai vẫn nằm ngoài danh sách các tỉnh, thành phố có dịch tả Lợn Châu Phi... Đây là thành tích đáng ghi nhận của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành chức năng và những hộ chăn nuôi trong toàn tỉnh trong việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch với quyết tâm cao, không để dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn, gây tổn thất cho các hộ chăn nuôi của địa phương.

Công tác kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu Quốc tế và Quốc gia, đường mòn lối mở trên biên giới được siết chặt

Từ cuối năm 2018, khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện và bùng phát mạnh mẽ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, Lào Cai được xác định là vị trí nhạy cảm trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi có khả năng từ bên kia biên giới xâm nhiễm vào địa bàn và vào sâu trong nội địa, nên ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát đi những thông điệp cảnh báo đầu tiên, tỉnh Lào Cai đã lập tức thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi xuyên suốt từ cấp tỉnh, đến cơ sở với quyết tâm không để dịch tả lợn Châu Phi tràn qua biên giới vào địa bàn.

Các khu vực cửa khẩu Quốc tế và Quốc gia, đường mòn lối mở trên biên giới được siết chặt, công tác thông tin tuyên truyền cũng được đẩy mạnh để người dân nắm rõ mức độ nguy hại của dịch tả lợn Châu Phi, nâng cao ý thức phối hợp cùng chính quyền và các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi càng được triển khai quyết liệt hơn bao giờ hết, khi vào đầu tháng 2, dịch tả lợn Châu Phi đã chính thức  xuất hiện sâu trong nội địa Việt Nam, với 2 tỉnh đầu tiên công bố xuất hiện dịch là Hưng Yên và Thái Bình. Tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch, ban hành hàng chục văn bản xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. 4 chốt kiểm soát động vật tạm thời được lập; 3 tổ cố định và 27 tổ kiểm soát cơ động với tổng số 237 thành viên trên địa bàn các huyện, thành phố đã được thành lập ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố xuất hiện ổ dịch Tả lợn Châu Phi đầu tiên sâu trọng nội địa. Các tổ, chốt liên ngành kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật làm việc 24/24h  tại những khu vực nhạy cảm, bao gồm các khu vực cửa khẩu Quốc tế và Quốc gia, đường mòn lối mở qua biên giới; các nút giao thông quan trọng trên tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Quốc lộ 70; Quốc lộ 4D... nơi dịch tả Châu Phi có thể dễ dàng xâm nhập vào địa phương từ bên kia biên giới, từ dưới xuôi lên và từ tỉnh bạn Lai Châu sang Lào Cai.

Đến nay 100% các hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện việc rắc vôi bột khử trùng

Công tác tuyên tuyền cũng được đẩy mạnh với tần số tin, bài, cảnh báo được phát đi liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống loa đài ở các thôn, bản... cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đồng thời định hướng dư luận về các thông tin sai lệch, hiểu không đúng về dịch tả lợn Châu Phi đến sức khỏe con người... Qua đó góp phần tích cực việc ngăn chặn, phòng ngừa dệnh lây lan vào địa bàn; giúp bình ổn giá thịt lợn hơi trên thị trường tỉnh. Cũng trong thời gian này, việc triển khai tháng tiêu độc khử trùng đối với đàn vật nuôi cũng được ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai đồng loạt. Gần 8.000 lít hóa chất, 200 bộ quần áo sinh học cùng hàng trăm tấn vôi bột  phục vụ cho công tác khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi đã được cấp phát cho các địa phương và tới tận các hộ chăn nuôi. Công tác tiêm vắc xin phòng bệnh đợt 1 cho đàn vật nuôi của toàn tỉnh cũng được triển khai khẩn trương, đảm bảo đạt tỷ lệ và đúng tiến độ kế hoạch, góp phần quan trọng trong việc phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào địa bàn. Là địa phương trọng điểm chăn nuôi, có đàn lợn giống và lợn thịt chiếm tới 2/3 tổng đàn lợn của toàn tỉnh và đã thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian qua, ông Trần Trọng Thể, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Bảo Thắng cho biết: "Nhằm tăng cường ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi, chúng tôi đã thành lập các tổ, chốt tại các điểm quan trọng, trực 24/24h tất cả các tuyến ra, vào đều phải được kiểm soát chặt chẽ. Ở vào thời điểm cấp thiết như hiện nay thì chúng tôi càng phải tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt hơn nữa, trong quá trình kiểm tra các xe mà không đảm bảo vệ sinh thú y và con giống thì đều bị xử lý. Bên cạnh đó Trung thâm thú y và Phòng nông nghiệp huyện tuyên truyền vận động bà con về công tác khử trùng chuống trại, đến thời điểm này 100% số hộ chăn nuôi đã thực hiện việc khử trùng bằng vôi bột".

Nâng cao ý thức của người dân vẫn là khâu quan trọng nhất trong công tác phòng chống dịch

Được các bộ, ngành TW và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi ghi nhận có những thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch, nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi. Đặc biệt mới đây nhất ngày 7/5, địa phương lân cận sát với Lào Cai là tỉnh Yên Bái đã chính thức công bố có dịch tả lợn Châu Phi, tỉnh Lào Cai xác định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt hơn nữa, hạn chế tối đa nguy cơ đe dọa dịch tả lợn Châu phi xâm nhập vào địa bàn. Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: "Đối với ngành Nông nghiệp là cơ quan thường trực của tỉnh đã chỉ đạo đến cơ sở tiếp tục duy trì các tổ, chốt, khuyến cáo bà con không thăm quan ở các trang trại và gia trại, hạn chế việc nhập lợn giống không rõ nguồn gốc, đồng thời việc tái đàn là phải có kiểm soát, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế việc chăn nuôi nhỏ lẻ".

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tỉnh cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng, các địa phương tránh tư tưởng chủ quan, buông lỏng quản lý chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục hướng dẫn chủ vật nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, sát trùng tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất, từ hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại chăn nuôi lợn ra các khu vực xung quanh, nơi có nguy cơ cao; tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng người và phương tiện vận chuyển, dụng cụ; có biện pháp ngăn chặn các loại chim, côn trùng, loài gặm nhấm có thể mang mầm bệnh từ bên ngoài vào; không đến tham quan, không họp trực tiếp với chủ cơ sở, người tham gia chăn nuôi để hạn chế nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm vào trang trại và khuyến cáo các hộ chăn nuôi hạn chế tái đàn, giảm đàn lợn trong năm nay.

Về lâu dài, tỉnh sẽ  điều chỉnh, khuyến khích các hộ chăn nuôi lợn theo qui mô trang trại, tập trung đảm bảo an toàn sinh học, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch tả lợn Châu Phi cũng như các loại dịch bệnh khác trên đàn gia súc của địa phương.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết