Laocaitv.vn - Mặc dù Lào Cai chưa có kho bảo quản và lưu trữ máu nhưng hiện nay nguồn máu phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân trên địa bàn tỉnh vẫn được đảm bảo tốt và cung cấp một phần cho Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Laocaitv.vn - Mặc dù Lào Cai chưa có kho bảo quản và lưu trữ máu nhưng hiện nay nguồn máu phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân trên địa bàn tỉnh vẫn được đảm bảo tốt và cung cấp một phần cho Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Lào Cai, khoảng 10 năm gần đây, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có trên 1.300 đơn vị máu được hiến. Trong đó, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt trên 70%; tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt trên 22%. Tỷ lệ dân số hiến máu đạt trên 0,42%. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có gần 1.800 đơn vị máu được hiến, trong đó 180 đơn vị máu hiến trực tiếp để cấp cứu bệnh nhân.
Để có được kết quả trên, Ban Chỉ đạo các cấp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa, vai trò, giá trị nhân văn của phong trào hiến máu tình nguyện; từ đó đảm bảo nguồn người hiến máu dự bị; thường xuyên tổ chức các sự kiện hiến máu tình nguyện như: “Những giọt máu hồng hè”, “Ngày chủ nhật đỏ”, “Giọt hồng yêu thương”… Đặc biệt vào tháng 7 tới, Lào Cai sẽ lần đầu tiên thực hiện Chương trình “Hành trình đỏ” với chủ đề “Sắc đỏ biên cương” để tích lũy thêm kinh nghiệm tổ chức các sự kiện hiến máu quy mô lớn và lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện. Cùng với đó, công tác tuyên dương, khen thưởng tôn vinh những người hiến máu tình nguyện tiêu biểu cũng được thực hiện thường xuyên. Bà La Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó trưởng Ban vận động hiến máu tình nguyện huyện Bảo Thắng cho biết: "Chúng tôi thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phát triển nguồn máu dự bị. Cùng với đó là thực hiện tốt công tác tuyên dương, khen thưởng kịp thời những người hiến máu để vận động mọi người cùng tham gia, phục vụ tốt nhất cho công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân ở bệnh viện".
Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. (Ảnh: Mai Huệ)
Với sự đồng bộ trong triển khai thực hiện, phong trào toàn dân hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp. Số lượng người hiến máu nhắc lại và nhắc lại nhiều lần luôn tăng qua các năm, đặc biệt đã có nhiều "gia đình hiến máu”. Anh Nguyễn Văn Định ở thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát chia sẻ suy nghĩ của bản thân khi đã 3 lần tham gia hiến máu tình nguyện: "Cũng như các bạn trẻ khác, lần đầu tham gia hiến máu tôi cũng lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng thực tế thì hiến máu rất tốt, vì vậy các bạn trẻ hãy tham gia hiến máu để giúp những người bệnh. Tôi sẽ tham gia hiến máu nhắc lại và gắn bó với phong trào lâu dài".
Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 42 câu lạc bộ và đội hiến máu dự bị với trên 3.200 thành viên; trong đó có 1 câu lạc bộ nhóm máu hiếm. 100% cán bộ, công nhân viên các cơ quan hành chính cấp tỉnh đã thực hiện định nhóm máu. Số người đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện tăng cao đã giúp các bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh giải quyết được tình trạng khan hiếm máu trong công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp khi chưa có kho lưu trữ, bảo quản máu. Đặc biệt, phong trào này đã “tiếp lửa hy vọng” cho nhiều bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo cần máu. Chị Nguyễn Thị Triều Mơ ở phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, một bệnh nhân được cứu sống bởi nguồn máu của các tình nguyện viên, nay lại tích cực tham gia phong trào hiến máu; chị chia sẻ: "Khi được mọi người kể lại là đã có rất nhiều giáo viên, đoàn viên, thanh niên hiến máu cứu tôi, tôi cảm thấy rất xúc động trước nghĩa cử cao đẹp này. Từ đó, tôi tham gia phong trào hiến máu để có thể giúp được những bệnh nhân cần máu trong bệnh viện".
Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Đây là một trong những phong trào lớn hiện nay của toàn xã hội, là một hoạt động đầy ý nghĩa và mang đậm tính văn hóa, nhân văn, thể hiện sâu sắc đạo lý ‘‘Thương người như thể thương thân’’ của dân tộc ta. Nối tiếp truyền thống “một giọt máu cho đi – một cuộc đời ở lại”, hy vọng thời gian tới phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này tiếp tục được nhân rộng và lan tỏa trên địa bàn tỉnh, thu hút thêm nhiều người cùng chung suy nghĩ, chung hành động, mang tới cuộc sống, niềm vui, hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân và gia đình của họ.
Mai Huệ
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết