Laocaitv.vn - Nằm cách trung tâm xã Lùng Vai, huyện Mường Khương hơn chục cây số, thôn Cốc Lầy là một địa bàn giáp biên giới với nước bạn Trung Quốc, thôn được hình thành từ năm 2003 theo chương trình di chuyển, sắp xếp dân cư các xã biên giới của tỉnh. 16 năm cũng là chừng ấy thời gian, đồng bào dân tộc HMông và Dao ở Cốc Lầy bền bỉ bám đất, bám làng, xây dựng đời sống ngày càng no ấm, ổn định hơn trên mảnh đất phên dậu Quốc gia.
Từ 12 hộ dân ban đầu, đến nay, thôn định cư Cốc Lầy đã có trên 80 hộ dân sinh sống
Cho đến tận giờ, anh Giàng Seo Pao, Trưởng thôn Cốc Lầy, một trong những hộ đồng bào dân tộc HMông đầu tiên từ vùng cao núi đá Pha Long (huyện Mường Khương) về định cư ở Cốc Lầu vẫn nhớ như in những ngày đầu lập thôn ở vùng đất mới vào năm 2003. Trên vùng cao núi đá Pha Long, đất đai chật chội, nguồn nước ăn, nước sinh hoạt thì thiếu thốn, khổ sở vô cùng. Đúng thời điểm này, tỉnh Lào Cai có chủ trương giãn dân ra biên giới, vậy là 12 hộ dân đầu tiên từ Pha Long đã di cư xuống, dựng lên thôn mới Cốc Lầy. Nằm ở nơi “thâm sơn, cùng cốc”, con đường đến với Cốc Lầy khi ấy hiểm trở vô cùng, trên một chục cây số đường rừng quanh co, uốn lượn theo triền núi. Vậy nhưng, bù lại, ở vùng đất mới, khí hậu, đất đai, nguồn nước lại dồi dào, thuận lợi, với sự hỗ trợ ban đầu của tỉnh và huyện, những hộ dân tộc HMông đầu tiên ở Cốc Lầy bắt tay bạt núi, dựng nhà. Những sườn núi được bà con khai phá, cải tạo thành những ruộng lúa, nương ngô, sẵn có diện tích rừng tự nhiên bao quanh, bà con bắt tay gây dựng đàn trâu bò, vừa làm sức kéo, vừa để có thêm thu nhập. Đất mới thuận lợi cho canh tác, lại thêm được sự giúp đỡ của ngành nông nghiệp huyện, chính quyền xã Lùng Vai và trực tiếp là các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bản Lầu, những ruộng lúa, nương Ngô ở Cốc Lầy cứ trải một màu xanh tốt, cuộc sống bà con cũng dần khá giả hơn. "Đất lành, chim đậu", qua từng năm, dân cư Cốc Lầy dần đông đúc, không chỉ có đồng bào dân tộc HMông từ Pha Long, Tả Ngải Chồ, mà cả đồng bào người Dao từ La Pán Tẩn cũng tìm về lập nghiệp. Từ 12 hộ dân ban đầu, đến nay, thôn định cư Cốc Lầy đã có tới trên 80 hộ dân sinh sống và cách đây 5 năm, mô hình làng Thanh niên biên giới Lập nghiệp Cốc Lầy (do Tỉnh đoàn Lào Cai đỡ đầu) được xây dựng đã giúp đỡ gần 40 hộ dân ở Cốc Lầy có nơi ăn chốn ở, điều kiện đất đai canh tác.
Cuộc sống ở làng định cư biên giới đã đầy đủ hơn, những hộ dân tộc HMông, người Dao ở Cốc Lầy bắt đầu tính kế làm giàu. Phần lớn diện tích ruộng của địa phương được bà con chuyển sang trồng giống lúa Séng cù đặc sản, 100% diện tích đất trồng ngô của địa phương được gieo cấy bằng giống hàng hoá. Từ năm 2013, chủ trương phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá của huyện Mường Khương và xã Lùng Vai đươc đẩy mạnh, cây chè, rồi tiếp đó là cây chuối mô đã dần lan đến đến thôn định cư biên giới này và được những hộ đồng bào người HMông, người Dao ở đây hồ hởi chấp nhận. Trưởng thôn Cốc Lầy, Giàng Seo Pao cho biết: "Từ nay đến năm 2020, người dân ở đây sẽ phát triển mạnh cây chè, cây chuối để tăng thêm thu nhập. Về vệ sinh môi trườn, chúng tôi tích cực tuyên truyền bà con trong thôn xây dựng chuồng trại, nhà vệ sinh cách xa nơi ở để giữ vệ sinh cho chính gia đình mình và làng xóm xung quanh".
Mong ước của bà con Cốc Lầy là có đường thuận tiện để những sản phẩm không gặp trở ngại trong vận chuyển, tiêu thụ
Những thế hệ trẻ hơn Trưởng thôn Giàng Seo Pao cũng đã gắn bó và thực sự trưởng thành từ mảnh đất Cốc Lầy. Chàng thanh niên Sùng Seo Thành năm nay mới 23 tuổi là một ví dụ. Thành cho biết, từ năm 2015, anh cùng em trai mình đã trồng 2.500 gốc chuối cấy mô, sau một năm, một số diện tích cho thu hoạch trên 25 triệu đồng. Nhận thấy đất đai ở đây rất phù hợp với cây chuối, 2 anh em quyết tâm trồng thêm 4 nghìn gốc nữa, lấy đó làm nguồn thu nhập chính cho gia đình. Cả năm 2018, giá chuối bán ra khá cao nên gia đình có được khoản thu lớn.
Từ 100% hộ thuộc diện đói nghèo, hết năm 2018, Cốc Lầy chỉ còn 10 hộ
Cần cù gắn bó với đất, với bản làng, những hộ đồng bào dân tộc HMông, người Dao ở Cốc Lầy đã bền bỉ xây dựng một cuộc sống mới, ấm no hơn trên vùng đất giáp biên. Từ một thôn 100% hộ dân thuộc diện đói nghèo, hết năm 2018, Cốc Lầy chỉ còn 10 hộ thuộc diện nghèo (theo tiêu chí đa chiều). Để giảm được tỷ lệ đói nghèo như vậy đối với Cốc Lầy là cả một hành trình gian khó, không chỉ đến từ sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, mà còn có phần nỗ lực, tự thân vận động rất lớn của người dân. Những năm tới, Cốc Lầy đã xác định rõ cho mình bước chuyển dịch sản xuất nông nghiệp để tiếp tục xoá đói, giảm nghèo bền vững, trưởng thôn Giàng Seo Pao chia sẻ.
Giữa trập trùng núi cao, ở Cốc Lầy, những ngôi nhà đổ mái bằng đang ngày càng nhiều thêm, trong từng gia đình, nếp ăn, ở, nếp sinh hoạt cũng tương đối nền nếp, sạch sẽ, gọn gàng. Hệ thống điện, nước sạch sinh hoạt được đầu tư đồng bộ trong những năm qua đã giúp bà con ở khu vực vùng sâu, vùng xa này cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó cũng là những điều kiện tiên quyết để người dân nơi đây thêm vững tin vào các chủ trương, chính sách của Đảng. Điều mà người dân mong mỏi là trong thời gian sớm nhất, tuyến đường đến Cốc Lầy được nâng cấp, trong tương lai, những sản phẩm hàng hoá của bà con làm ra như chè, chuối mô không gặp trở ngại trong vận chuyển, tiêu thụ. Tạo động lực để đồng bào thêm quyết tâm mở rộng vùng sản xuất, tăng thu nhập, xây dựng cuộc sống bình yên và no ấm trên mảnh đất phên dậu Quốc gia.
An Hồng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết