Laocaitv.vn - Ngày 13/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020.
Laocaitv.vn - Ngày 13/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 13 tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc, cùng lãnh đạo các sở ngành, địa phương của tỉnh Lào Cai.
Quang cảnh hội nghị.
Trong những năm gần đây, thiên tai trên cả nước cũng như ở các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc diễn ra cực đoan, khó lường. Theo thống kê, trong 20 năm trở lại đây, tại khu vực miền núi đã xảy ra 590 trận lũ quét, 92 đợt rét đậm rét hại. Riêng năm 2019, trong khu vực đã xảy ra 13 trong tổng số 21 dạng thiên tai điển hình, làm chết 42 người, gây thiệt hại về kinh tế lên đến 753 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, khu vực xảy ra 922 trận dông lốc, mưa đá, mưa lớn kéo dài. Đặc biệt, theo ghi nhận, mưa đá trên diện rộng vào đúng đêm mùng 1 tết Nguyên đán 2020 xảy ra ở nhiều tỉnh trong khu vực được đánh giá là hiện tượng thời tiết dị thường. Tính đến ngày 9/7/2020, thiên tai trong khu vực đã làm chết 19 người, bị thương 79 người, tổng thiệt hại về kinh tế vào khoảng 630 tỷ đồng.
Lào Cai được xác định là một trong những tâm điểm của thiên tai cực đoan trong khu vực. Bên cạnh những thiệt hại về người thì thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trung bình mỗi năm khoảng 400 đến 500 tỷ đồng. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh Lào Cai xác định công tác phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được chỉ đạo quyết liệt để phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai một cách bền vững.
Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong cho rằng, công tác phòng, chống thiên tai có thành công hay không, kết quả có đem lại như mong muốn hay không thì cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó, đặc biệt quan trọng là sự chủ động, hiểu biết cũng như tính tích cực của người dân tham gia công tác phòng, chống thiên tai. "Lào Cai cũng đã đề xuất với Trung ương cần nghiên cứu những cơ chế để đảm bảo sự phát triển bền vững về môi trường, về phòng chống thiên tai, có cơ chế để phát triển rừng; với 80 - 90% diện tích là đất rừng thì cần thiết phải có nghiên cứu căn cơ trong 10 – 15 năm tới về chính sách hỗ trợ để phát triển rừng", đồng chí Đặng Xuân Phong cho biết thêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Xuân Phong trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị.
Tại hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc, đại diện các địa phương, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, như chủ động sẵn sàng ứng phó trước nguy cơ thiên tai; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, đảm bảo an toàn hồ chứa và tập trung khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai; xây dựng, bố trí nguồn lực để phòng, chống thiên tai... Các nội dung thảo luận này nhằm hướng đến mục tiêu chuyển từ sự cố, thảm họa thiên tai sang nỗ lực khắc phục và chủ động phòng ngừa.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, khu vực miền núi phía Bắc còn chịu ảnh hưởng của mưa lũ trong khoảng từ tháng 8 đến cuối tháng 10. Bão có xu hướng muộn hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng xuất hiện từ 11 đến 13 cơn bão và từ 5 đến 6 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn gia tăng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đòi hỏi các địa phương cần chủ động hơn nữa các biện pháp phòng, chống.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ bên lề hộ nghị: "Trước tác động của biến đổi khí hậu với những hình thái cực đoan xảy ra vô cùng khốc liệt, đòi hỏi chúng ta phải rà soát lại khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách, những vấn đề trước mắt và cả các nhóm giải pháp lâu dài. Tới đây, tất cả 13 tỉnh trong khu vực sẽ phải rà soát lại để đưa ra lộ trình tổng thể bố trí, sắp xếp dân cư đảm bảo tính an toàn cao nhất; phương thức sản xuất cũng phải đảm bảo thích ứng nhất với điều kiện thời tiết, để đảm bảo bất kỳ tình huống bất thuận nào của thời tiết xảy ra thì những phương thức sản xuất đó cũng góp một phần giảm thiểu rủi ro đến mức cao nhất".
Các địa phương ký giao ước thi đua.
Tại hội nghị, các địa phương đã tham gia ký giao ước thực hiện phong trào thi đua "Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn" giai đoạn 2020 - 2025.
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân cũng đã được nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2019. (Ảnh trên)
Ngọc Hà – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết