Laocaitv.vn - Dệt, thêu, may thổ cẩm là nghề truyền thống gắn liền với bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc. Không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, các sản phẩm do bà con làm ra còn trở thành hàng hóa, quà tặng có giá trị, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho nhiều hộ gia đình.
Tại vùng cao Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai, mô hình may, thêu thổ cẩm giúp hơn 200 chị em người Mông có việc làm và thu nhập ổn định. Như chị Vàng Thị Sơ (thôn Thào Chư Phìn, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai), mặc dù đang nuôi con nhỏ, song mỗi tháng vẫn có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng. Chị Sơ chia sẻ: “Có con nhỏ ra ngoài đồng cũng không làm được gì nên mình quyết định đi làm việc. Như vậy, vừa trông được con, vừa kiếm được tiền mua sữa, mua bỉm cho con”.
Chị Giàng Thị Ly, thôn Thào Chư Phìn, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai nói: “Không có thời gian thì em mang đồ về nhà lúc rảnh em làm. Dệt, thêu, may hoa văn thổ cẩm em thấy lương cũng ổn, không phải đi làm xa, được ở gần chăm sóc con cái”.
May, thêu thổ cẩm giúp chị em người Mông có việc làm và thu nhập ổn định.
Với sự định hướng và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, nghề thêu, may cũng đang phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã vùng cao Tả Ngài Chồ, Mường Khương. Hiện địa phương có khoảng 100 hộ làm nghề này, có thu nhập khá.
Chị Thào Thị Xoa, thôn Tả Lủ, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương chia sẻ: “Mình may được mình mang ra chợ. Cũng có người ra nhà lấy nhiều. Hàng tháng trừ hết vốn đi, hai mẹ con cũng được tầm 6 triệu, lo được chi tiêu trong gia đình”.
Nghề thêu, may phát triển mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thổ cẩm không chỉ hiện diện trên váy, trên áo của bà con người Mông, người Dao, người Xa Phó… mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa, giúp bà con có thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Nếu như trước đây, thổ cẩm chủ yếu được làm thành các quà tặng lưu niệm, thì bây giờ đã được nâng lên trở thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn như sản phẩm decor trang trí nội thất, làm sofa hay trang trí trong phòng khách sạn... không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, trong nước, mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài.
Bà Lương Thủy, Giám đốc HTX thổ cẩm Lương Thủy, thị xã Sa Pa cho biết: “Bộ nào cũng đẹp, mỗi một dân tộc có một màu sắc khác nhau. Chúng tôi có động lực tạo công ăn việc làm giúp đỡ bà con”.
Thổ cẩm trở thành sản phẩm hàng hóa, giúp bà con có thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Trước đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức hơn 30 lớp trao truyền kỹ năng, kỹ thuật, cách tạo ra y phục, hoa văn truyền thống. Tỉnh cũng xây dựng các mô hình bảo tồn mẫu hoa văn, trang sức, trang phục dân tộc, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thổ cẩm, giúp bà con giữ gìn, phát huy nghề truyền thống để giảm nghèo bền vững./.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết