Thông tư 29: giảm áp lực cho học sinh

11:11 20-02-2025 | :44

Laocaitv.vn - Dạy thêm, học thêm, bên cạnh mặt tích cực là bổ sung kiến thức cho học sinh thì cũng gây không ít áp lực đối với cả phụ huynh, giáo viên và các em học sinh. Do vậy, Thông tư 29 do Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ giữa tháng 2 năm nay, với mục tiêu tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, giảm áp lực, nâng cao chất lượng giáo dục. Tại Lào Cai, ngay trong tuần đầu triển khai thông tư này đã có những chuyển biến tích cực.

Bóng rổ là môn thể thao yêu thích của Huyền Linh. Từ tuần học này, các buổi chiều, Linh và các bạn có nhiều thời gian hơn cho đam mê của mình sau những giờ học căng thẳng. Em cũng không còn quá lo lắng về việc không được học ôn thi tốt nghiệp THPT vào buổi chiều như trước.

Từ tuần học này, các buổi chiều, Linh và các bạn có nhiều thời gian hơn cho đam mê của mình sau những giờ học căng thẳng.

Em Nguyễn Thị Huyền Linh, học sinh Trường THPT số 2 huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Trước mình phải học liền tù tì, bây giờ mình có thể để ra được 1, 2 buổi đi tập thể thao, vui chơi. Mình thấy thoải mái hơn, việc học hành cũng vào hơn”.

Sớm nắm bắt tinh thần của Thông tư 29, trường học này đã chủ động cho học sinh nghỉ học thêm buổi chiều từ ngay sau tết Nguyên đán. Trong tuần đầu tiên triển khai Thông tư 29, các hoạt động giáo dục nhanh chóng đi vào nền nếp. Trái ngược với sự vắng lặng khu vực lớp học, sân thể thao nhộn nhịp hơn với các tiết học giáo dục quốc phòng, hoạt động giáo dục thể chất, sinh hoạt câu lạc bộ (ảnh dưới).

Thầy giáo Lý Văn Dũng, giáo viên Trường THPT số 2 huyện Bảo Thắng cho biết: “Nếu không học phụ đạo thì buổi chiều các em sẽ làm gì? Nắm bắt được thì nhà trường cũng cho các bạn đăng kí các câu lạc bộ thể thao. Các em cũng sẽ tránh xa các trò chơi điện tử, các thú vui không lành mạnh”.

Theo chỉ đạo của ngành giáo dục, toàn bộ các trường học trên địa bàn tỉnh đã dừng dạy thêm có thu tiền trong trường học kể từ ngày 14/2. Với sự đồng hành của nhà trường và các thầy cô, nhiều học sinh cũng nhanh chóng bắt nhịp với những thay đổi, làm chủ được quỹ thời gian và tự học hiệu quả.

Em Vũ Tiến Thành, học sinh Trường THPT số 1, thành phố Lào Cai chia sẻ thêm: “Em khá tự tin để sắp xếp về khoảng thời gian trống đấy. Em tự đánh giá em có khả năng tự học khá tốt. Hiện tại em cũng đang trong quá trình tìm hiểu và tham khảo một số trung tâm được cấp phép”.

Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: “Chúng tôi rất chia sẻ với những lo lắng của phụ huynh học sinh, đặc biệt là những cha mẹ đang có con học cuối cấp. Nhưng chúng ta cũng nên nhìn vào những tích cực mà Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT mang lại, rằng các nhà trường sẽ có thêm thời gian để tổ chức các hoạt động giáo dục nhân cách, kỹ năng sống… học sinh thì được tăng cường kỹ năng tự học và quan trọng là tăng cường được sự giám sát đối với việc dạy thêm, học thêm”.

Với sự đồng hành của nhà trường và các thầy cô, nhiều học sinh cũng nhanh chóng bắt nhịp với những thay đổi, làm chủ được quỹ thời gian và tự học hiệu quả.

Nhiều chuyên gia về giáo dục cho rằng: khi phụ huynh, học sinh và nhà trường dám thay đổi cách dạy và học, bớt đặt nặng thành tích, học sinh sẽ bớt áp lực. Từ đó sẽ không còn cảnh các em tất tả đến lớp học thêm sau giờ học chính khóa. Đây cũng là nền tảng cho mô hình học tập phù hợp, đảm bảo công bằng trong giáo dục, để việc dạy thêm, học thêm thực sự hiệu quả thay vì trở thành áp lực.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết