Thực trạng thiếu giáo viên ở vùng cao Si Ma Cai

16:59 11-11-2024 | :90

Laocaitv.vn - Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh thiếu 627 giáo viên so với biên chế được giao. Bài toán thiếu giáo viên vẫn vô cùng nan giải với ngành giáo dục Lào Cai, đặc biệt là tại các trường ở địa bàn vùng cao, khi triển khai dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặc dù các ngành, địa phương đã linh hoạt nhiều giải pháp gỡ khó, nhưng tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học đặc thù vẫn chưa thể giải quyết. Phóng sự thực hiện tại huyện vùng cao Si Ma Cai sẽ cho thấy rõ hơn về thực trạng này.

Giờ học tiếng Anh của khối lớp 7, Trường  THCS Cán Cấu (ảnh trên). 78 em học sinh chen chúc nhau trong phòng học, nhiều em không có bàn để viết, không có ghế để ngồi, chất lượng giờ học đã ít nhiều bị ảnh hưởng. "Nhiều lúc em muốn cô đi xuống để hướng dẫn em, nhưng lớp chật quá cô không thể xuống chỗ em được", em Giàng Thị Kim Duyên, học sinh Trường THCS Cán Cấu, huyện Si Ma Cai bày tỏ.

"Ở bên Trường PTDT bán trú THCS số 2 xã Lùng Thẩn tôi đã dạy 21 tiết/tuần, 1 ngày đã có 7 tiết. Tăng cường sang đây, tôi phải dạy thêm 6 tiết nữa. Sức khỏe không đảm bảo, công việc nhiều cũng tạo nên áp lực", cô giáo Phạm Thị Thi, giáo viên Trường PTDT bán trú THCS số 2 xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai chia sẻ.

Hiện, Trường THCS Cán Cấu chỉ có 10 giáo viên, kể cả lãnh đạo quản lý, không có nhân viên. Ngoài tăng tiết, dạy thêm, các thầy cô phải kiêm nhiệm thêm nhiều vị trí. 9 giáo viên trường khác đã được tăng cường đến đây. "Giáo viên kiêm nhiều nhiệm vụ, số lượng công việc nâng lên khiến giáo viên khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên ít ảnh hưởng đến công tác thu thập minh chứng để duy trì kiểm định chất lượng trường chuẩn quốc gia", ông Lương Xuân Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cán Cấu, huyện Si Ma Cai cho hay.

Ngoài tăng tiết, dạy thêm, giáo viên ở vùng cao phải kiêm nhiệm thêm nhiều vị trí.

Ngành giáo dục Si Ma Cai hiện đang thiếu 104 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, nhiều trường không có giáo viên tiếng Anh; các môn như: Văn, Toán cũng thiếu trầm trọng. Sau 3 lần UBND huyện thông báo hợp đồng giáo viên nhưng chỉ tuyển được 10 người. Đẩy mạnh phong trào “Trường giúp trường”, “Phòng giúp phòng”, triển khai hợp đồng thỉnh giảng... là các giải pháp trước mắt để khắc phục khó khăn. "Chúng tôi bố trí giáo viên ở các trường đang có đủ giáo viên để đến dạy tại các trường còn thiếu. Việc tăng cường như thế này cũng chưa giải quyết hết các vấn đề. Nhiều đơn vị vẫn bắt buộc phải dạy ghép lớp hoặc dạy trực tuyến, mặc dù biết sẽ không thu được kết quả cao", bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai nói.

Thiếu giáo viên không chỉ là câu chuyện riêng của ngành giáo dục Si Ma Cai. Ngoài thiếu hơn 620 biên chế, hầu như các trường trong tỉnh đều chưa có giáo viên được đào tạo chính quy đối với những môn học mới, như: Tin học và Công nghệ cấp tiểu học; Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên cấp THCS; Giáo dục Kinh tế và Pháp luật cấp THPT... Trong bối cảnh thiếu giáo viên như vậy, 180 trường hợp hợp đồng thỉnh giảng từ đầu năm học này là nỗ lực lớn của ngành giáo dục để giải quyết khó khăn trước mắt, trong khi chờ tuyển được giáo viên bổ sung.

Thu Hường – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết