Từ câu chuyện xóa mù chữ

14:25 24-06-2022 | :254

Laocaitv.vn - Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ nhằm hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Bà con ở vùng cao cũng nhận thức rõ ràng hơn việc biết đọc, biết viết là con đường để nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội, từ đó tự lực để vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Năm 2021, gia đình chị Chảo Mùi Pham ở thôn Nậm Toóng, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa được hỗ trợ 40 con gà giống. Sau mấy tháng chăm sóc, số gà này bán được 2 triệu đồng. Đây là thành quả đầu tiên mà chị Pham đạt được khi nuôi gà từ trước tới nay. Thành công ấy, một phần nhờ chị đã biết đọc, biết viết, từ đó tìm hiểu được kỹ thuật nuôi gà. "Đi học lớp xóa mù chữ về tôi biết đọc, biết ra hiệu thuốc mua thuốc về chữa cho đàn gà. Nuôi gà đợt này tốt hơn, không hay bị chết nữa", chị Chảo Mùi Pham chia sẻ.

Chị Chảo Mùi Pham và 19 học viên của thôn Nậm Toóng đã học tới lớp 3 của lớp học xóa mù chữ. Với họ, tiếng kẻng báo giờ lên lớp đã trở nên quen thuộc; mọi người tạm gác việc nhà để đến lớp học. Chị Chảo Lù Mẩy, ở thôn Nậm Toóng chia sẻ: "Ban đầu thì nghĩ là khó, nhưng đi học biết đọc, biết viết rồi thì lại thấy thích. Ở nhà các con đều được đi học cả, bố mẹ cũng phải cố gắng để biết chữ".

Nhờ những lớp học xóa mù chữ, nhiều phụ nữ vùng cao đã biết đọc, biết viết, qua đó giúp việc phát triển kinh tế gia đình thuận lợi hơn.

Giai đoạn 2015 - 2020, thị xã Sa Pa đã mở 88 lớp xóa mù chữ với 1.730 học viên. Việc tham gia các lớp học xóa mù đã phát huy hiệu quả một cách rõ rệt. Những học viên tốt nghiệp lớp này đã tự tin hơn trong giao tiếp, dễ dàng thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính khi có nhu cầu, tiếp cận dễ dàng hơn với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của địa phương.

Thầy giáo Vàng Văn Hoán, giáo viên Trường Tiểu học Bản Hồ, thị xã Sa Pa cho biết: "Nghỉ hè tôi vẫn tranh thủ thời gian lên dạy chữ cho các chị. Mọi người biết chữ thì làm kinh tế mới khấm khá lên được. Bây giờ thời đại 4.0 rồi, dùng điện thoại cũng phải biết nhắn tin. Tôi thấy mọi người rất là hào hứng".

Năm 2000, tỉnh Lào Cai đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ. Nhưng nhiệm vụ này vẫn được tỉnh tiếp tục triển khai. Riêng từ năm 2015 - 2020, toàn tỉnh đã xóa mù chữ cho 13.272 người trong độ tuổi từ 15 - 60; nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 đạt 94,5%. Với mỗi người dân, được tiếp cận với tri thức trở thành nhu cầu tự thân, tiến tới được nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội, tự lực để vươn lên xóa đói, giảm nghèo, góp sức xây dựng quê hương.

 Thu Hường - Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết