Xã hội hóa giáo dục, tạo động lực vượt khó cho giáo dục vùng cao

09:44 24-11-2021 | :494

Laocaitv.vn - Trong điều kiện kinh tế địa phương còn gặp nhiều khó khăn, ngân sách chi cho giáo dục còn khiêm tốn thì việc xã hội hóa là giải pháp tích cực giúp ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt sứ mệnh “trồng người”. Trên thực tế, tại Lào Cai, những năm qua công tác xã hội hóa được các cơ sở giáo dục thực hiện tốt, bằng những cách làm linh hoạt và sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường.

Bà con thôn Biên Hòa mang thực phẩm xuống Trường Mầm non Nậm Chạc để đóng góp cho nhà trường.

Mỗi tháng 1 lần, chị Phàn Thị Chẩu lại cùng bà con trong thôn Biên Hòa mang củi, mang gạo xuống Trường Mầm non Nậm Chạc, huyện Bát Xát để đóng góp cho nhà trường. Những đóng góp nhỏ này sẽ giúp các con có thêm bữa ăn quà chiều, có thêm sức khỏe để học tập. "Ban đầu khi nhà trường mới vận động thì bà con cũng chưa hiểu nên chưa đồng ý. Nhưng đến giờ thì ai cũng biết đóng góp như thế này là tốt cho chính con của mình. Chúng tôi thấy con đi học về khỏe mạnh, vui vẻ thì cũng rất yên tâm", chị Phàn Thị Chẩu, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát chia sẻ.

Xã hội hóa trong Nhân dân, với 1 địa bàn nhiều khó khăn như Nậm Chạc, chủ yếu là đóng góp lương thực, thực phẩm, ngày công. Và dù giá trị không quá lớn, nhưng sự chia sẻ, động viên của bà con Nhân dân là động lực lớn để các nhà trường vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đã đề ra.

Việc xã hội hóa giáo dục được triển khai hiệu quả góp phần đưa công tác dạy và học có nhiều khởi sắc.

Thời gian vừa qua, những thay đổi các chính sách trong giáo dục, đã gây những khó khăn nhất định đến các hoạt động giáo dục, đặc biệt là hoạt động bán trú, nội trú ở các nhà trường. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, huy động công tác xã hội hóa tiếp tục được các nhà trường, ngành Giáo dục quan tâm thực hiện. "Chúng tôi tuyên truyền để bà con đóng góp thêm gạo, thêm củi để hỗ trợ các con ăn bán trú. Đời sống của bà con giờ cũng có nhiều thay đổi, nên thông qua việc tuyên truyền này, cũng sẽ tạo nên thay đổi trong nhận thức của bà con về việc học của con em mình", ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa nói.

Chủ trương xã hội hóa giáo dục có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, bởi nó khai thác và phát huy được tiềm năng của toàn xã hội cho sự phát triển giáo dục. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các địa phương thực hiện tốt việc quản lý các nguồn thu xã hội hóa giáo dục, theo nguyên tắc “tự nguyện, thỏa thuận, vì học sinh”. Có như vậy, xã hội hóa giáo dục mới thực sự phát huy hiệu quả.

Thu Hường – Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết