Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ở Lào Cai

15:32 23-07-2018 | :7557

Laocaitv.vn - Là địa phương giàu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số với các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, do đó, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống không những gìn giữ yếu tố văn hóa mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm thổ cẩm của Sa Pa luôn được du khách ưa thích.

Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 17 nghề truyền thống, 29 làng nghề và làng nghề truyền thống (19 làng nghề nấu rượu, 5 làng nghề may thêu thổ cẩm, 3 làng nghề đan lát, 1 làng nghề trạm khắc bạc, 1 làng nghề làm hương đốt) được cấp có thẩm quyền công nhận; tập trung ở các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai, Mường Khương, Văn Bàn; nhìn chung các làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động ổn định. 

Đặc biệt một số mặt hàng của các làng nghề đã và đang trở thành sản phẩm hàng hoá nổi tiếng cả nước và từng bước vươn ra thị trường xuất khẩu như hàng thêu, dệt may thổ cẩm của Câu lạc bộ Thổ cẩm phụ nữ Xa Phó, xã Nậm Sài, huyện Sa Pa mỗi năm chị em đã thêu được 5.000 – 6.000 sản phẩm với 15 mẫu xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Ý, Úc, Pháp, Nhật.

Thực tế cho thấy, việc triển khai loại hình du lịch làng nghề ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian qua mặc dù đã đem lại một số hiệu quả bước đầu, giúp các làng nghề truyền thống vừa có thêm cơ hội quảng bá, vừa bán được nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, trong các làng nghề, làng nghề truyền thống chủ yếu là các hộ sản xuất nhỏ lẻ; sản xuất trong thời gian nông nhàn; thu nhập từ hoạt động sản xuất không phải là thu nhập chính. Mặt khác, khi làng nghề được công nhận không có người đứng ra tổ chức sản xuất, không xây dựng được quy chế hoạt động; do đó không thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Hiện nay, trước xu hướng đô thị hóa ngày càng cao, các làng nghề và làng nghề truyền thống có nguy cơ bị thu hẹp về diện tích vùng nguyên liệu, văn hóa truyền thống bị mai một, ảnh hưởng đến bảo tồn văn hóa cũng như việc làm và thu nhập. Do đó, việc hỗ trợ duy trì các làng nghề, làng nghề truyền thống theo hướng tăng giá trị sản phẩm về số lượng, chất lượng, mẫu mã thông qua đào tạo, hỗ trợ máy, thiết bị sản xuất, giới thiệu quảng bá sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trên cơ sở đánh giá, khảo sát thực tế cho thấy, Lào Cai cần bảo tồn lâu dài 7 làng nghề với hình thức xây dựng và thực hiện các mô hình, đó là: Mô hình bảo tồn làng nghề đan lát cắt dán hàng mã thôn Bảo Vinh - xã Bảo Hà - Bảo Yên; mô hình bảo tồn làng nghề may, thêu thổ cẩm thôn Ngải Trồ, xã Ý Tý, huyện Bát Xát; mô hình bảo tồn làng nghề may thêu thổ cẩm thôn Nì Xỉn - xã Pha Long, huyện Mường Khương; mô hình bảo tồn làng nghề nấu rượu truyền thống dân tộc Dao đỏ thôn San Lùng, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát; mô hình bảo tồn làng nghề nấu rượu thôn Bản Phố 2 A - xã Bản Phố, huyện Bắc Hà; mô hình bảo tồn làng nghề trạm khắc bạc thôn Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum, huyện Bát Xát.

Việc bảo tồn 7 mô hình làng nghề tiêu biểu nêu trên bởi đó là các làng nghề truyền thống có từ lâu đời, gắn liền với bản sắc văn hóa và phát triển kinh tế của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; một số làng nghề tạo ra những giá trị văn hóa đặc trưng, tạo nên nét đẹp riêng của người phụ nữ (dân tộc Mông, Dao…) và các làng nghề đã góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân nơi đây. Hơn nữa, ngành du lịch của Lào Cai trong những năm qua phát triển rất mạnh, thu hút ngày càng nhiều du khách nên các làng nghề có điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thực tế cho thấy, với nhiều làng nghề do dân cư phân bố không tập trung, tập quán sản xuất còn lạc hậu; một bộ phận không nhỏ nông dân chưa quen với sản xuất hàng hóa và tiếp cận thị trường, hàng hóa chủ yếu sản xuất theo quy mô hộ gia đình, doanh thu thấp, sản phẩm sản xuất đơn điệu về mẫu mã, chưa có thương hiệu, thiếu sức cạnh tranh nên rất khó khăn cho việc phát triển các làng nghề quy mô lớn. Do đó, để bảo tồn và phát triển, các làng nghề này rất cần sự hỗ trợ về đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề cho các làng nghề; hỗ trợ máy, thiết bị sản xuất cho các làng nghề; hỗ trợ công tác giới thiệu quảng bá sản phẩm từ các cơ quan đơn vị chức năng cũng như các tổ chức, doanh nghiệp để tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trước cơn lốc “đô thị hóa”.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết