Laocaitv.vn - Gắn kết làng nghề truyền thống với phát triển du lịch không những góp phần phát triển du lịch một cách bền vững mà còn phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.Trong những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề, làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách, bởi những giá trị văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc đặc trưng ở mỗi địa phương.
Nghề chạm bạc của người Dao đỏ.
Hiện na,y trên địa bàn toàn tỉnh đã có 17 nghề truyền thống, 28 làng nghề truyền thống được cấp có thẩm quyền công nhận; tập trung chủ yếu vào các nghề: thêu dệt thổ cẩm, nấu rượu, mây tre đan, rèn đúc... Các nghề, làng nghề truyền thống hoạt động ổn định, đặc biệt một số mặt hàng của các làng nghề đã và đang trở thành sản phẩm hàng hoá nổi tiếng. Nhờ lưu giữ, bảo tồn và phát huy thế mạnh của nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, mà lĩnh vực du lịch cũng có thêm loại hình sản phẩm phong phú, chất lượng. Hiện du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hóa đầy tiềm năng đang được tỉnh ta khai thác có hiệu quả.
Ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Bát Xát cho biết, vài năm trở lại đây, huyện Bát Xát đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Đó là làng nghề nấu rượu thóc của người Dao San Lùng (xã Bản Xèo), của người Hà Nhì, rượu Sim San, xã Y Tý; nghề làm lạp sườn của người Giáy Mường Hum; nghề làm Miến đao ở Thành Sơn (Bản Xèo)… Các nghề truyền thống vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, đồng thời tạo ra sản phẩm ẩm thực đặc sắc, thu hút du khách đến với vùng cao Bát Xát ngày một nhiều hơn.
Việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đã được cụ thể hoá trong Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và trong dự án phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với việc phát triển du lịch của tỉnh. Nhiều làng nghề đã tạo thương hiệu trên thị trường với sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương mà còn trở thành hàng hoá được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Mỗi huyện trong tỉnh đều quan tâm phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Ông Bùi Văn Vinh, Bí thư đảng uỷ xã Na Hối, huyện Bắc Hà cho biết, căn cứ theo định hướng của đảng bộ huyện, Na Hối khuyến khích các hộ gia đình sản xuất liên kết theo nhóm đồng sở thích để phục vụ du lịch, tăng thêm nguồn thu nhập kinh tế, giảm nghèo bền vững cho bà con.
Hiện du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hóa đầy tiềm năng đang được tỉnh ta khai thác có hiệu quả.
Sự phát triển của mô hình du lịch làng nghề đã và đang thu hút nhiều hơn du khách đến với Lào Cai. Đồng thời cũng góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc, giúp bà con làm quen với một hình thức sản xuất mới - hoạt động du lịch.
Với sự phát triển đúng hướng, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong hành trình khám phá bản sắc văn hoá dân tộc đa dạng của các dân tộc Lào Cai. Đây là một trong những lợi thế lớn cần được quan tâm hơn nữa để đưa du lịch Lào Cai ngày càng phát triển.
An Hồng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết