Lào Cai ơn nhớ Bác Hồ

05:08 23-09-2018 | :3962

Laocaitv.vn - Ngày này cách đây 60 năm (23 tháng 9 năm 1958), một sự kiện chính trị đặc biệt diễn ra ở Lào Cai được in dấu khắc sâu và mãi đi vào lịch sử tỉnh nhà. Đó là chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Chuyến thăm của Người có một ý nghĩa lớn với Lào Cai và đất nước. Đây là thời kỳ đầu khôi phục lại sản xuất, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để đất nước bước vào thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965). Lào Cai được đánh giá là một trong những trọng điểm kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng quan trọng của đất nước, trong đó đáng chú ý là Mỏ Apatit Cam Đường với trữ lượng quặng trên 2 tỷ tấn, lớn nhất khu vực Đông Nam châu Á. Chuyến thăm của Người đã mở ra hướng phát triển toàn diện của Lào Cai về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và quan hệ đối ngoại với nước bạn Trung Quốc.

Bác Hồ đến thăm Mỏ Apatit Lào Cai. (Ảnh tư liệu)

Mùa thu năm 1958, trong tiết heo may se lạnh, dù cơ sở vật chất của tỉnh lúc đó chưa được khang trang do hậu quả nặng nề của chiến tranh và chiến dịch tiễu phỉ để lại, nhưng đại biểu các ngành, cán bộ địa phương, nhân dân thị xã Lào Cai và đất Mỏ anh hùng khi ấy mãi mãi khắc ghi hình ảnh vị lãnh tụ thân quen với áo nâu giản dị, đi dép cao su thăm và nói chuyện thể hiện tình cảm với đồng bào, đồng thời những lời chỉ bảo của Người như một hiệu lệnh, định hướng lớn để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai đột phá vươn lên. Chỉ diễn ra trong vòng vài tiếng đồng hồ, nhưng lời Bác dạy với bốn điều đọng lại sẽ mãi mãi ghi sâu đối với đồng bào các dân tộc Lào Cai. Đó là “Đoàn kết chặt chẽ, tăng gia sản xuất, trật tự an ninh, thuần phong mỹ tục”. Một đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, một địa bàn còn nhiều phức tạp như Lào Cai thì những lời dạy của Bác thật ý nghĩa. Vùng núi, vùng đồng bào dân tộc ít người có rất nhiều hạn chế về nhận thức và tồn tại các hủ tục lạc hậu. Trong ma, tang, cưới xin vẫn còn rất nặng nề, lãng phí tiền của không cần thiết. Rất nhiều hủ tục lạc hậu đến bây giờ vẫn chưa được gỡ bỏ. Cụ thể là người chết để lâu trong nhà của một bộ phận đồng bào H'Mông rất mất vệ sinh. Hay tục cúng ma trong nhà khi có người đau yếu mà không đưa đi trạm xá, bệnh viện chữa trị… Cho nên, việc tiếp tục thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc ở Lào Cai vẫn là việc làm thường xuyên và liên tục.

Vấn đề đoàn kết luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm. Đoàn kết là sức mạnh vô địch, Bác từng lấy ví dụ rất sinh động: Nếu cầm cả một bó đũa mà bẻ thì ta không bẻ được. Còn bẻ từng chiếc thì sẽ gãy tất cả. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lăng, dân tộc ta giành thắng lợi to lớn cũng nhờ vào tinh thần đoàn kết. Biết đồng sức, đồng lòng vượt gian khó thì việc gì cũng dẫn đến thành công. Bác luôn căn dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Trong kháng chiến cũng như trong dựng xây, Lào Cai đã phát huy tối đa tinh thần đoàn kết toàn dân. Đây là một sức mạnh không gì lay chuyển nổi. Bài học về tinh thần đoàn kết được Đảng ta đúc kết trở thành sức mạnh toàn dân tộc, sức mạnh của thời đại. Đủ sức đảm bảo an ninh chủ quyền và xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội.

 

Hình ảnh Bác Hồ trong buổi nói chuyện với đồng bào Lào Cai. (Ảnh tư liệu)

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Lào Cai cùng cả nước bước vào những năm tháng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục lại sản xuất, tăng cường làm ra nhiều của cải vật chất, tích cực góp phần xây dựng nước nhà. Sau 3 năm (1958-1960) đẩy mạnh thực hiện phát triển kinh tế, Lào Cai đã đạt được một số thành tựu nhất định. Toàn tỉnh tập trung khai hoang ruộng nước, mở rộng ruộng bậc thang trồng lúa và hoa màu, giải quyết vấn đề lương thực cho nhân dân sau nhiều năm bị thiếu hụt. Vận động các Hợp tác xã, các hộ gia đình tăng gia chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Do mưa thuận gió hòa, nên 3 năm liên tiếp, Lào Cai được mùa lớn, đời sống của nhân dân không ngừng nâng cao. Cùng với phát triển nông nghiệp, Lào Cai chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khơi dậy các làng nghề thủ công truyền thống. Những mặt hàng dệt may, mây tre đan, hàng thủ công mỹ nghệ, xay sát, chế biến lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi xuất hiện phục vụ nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa với nơi khác. Thực hiện lời dạy của Bác, hơn lúc nào hết, người Lào Cai thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm giàu cho Tổ quốc. Sau 3 năm khôi phục và phát triển sản xuất, Lào Cai đã trở thành địa phương có nền kinh tế vững chắc, là hậu phương lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này.

Năm 1958, miền Bắc xã hội chủ nghĩa của chúng ta vừa bước ra khỏi chiến tranh được mấy năm. Tàn dư của chế độ cũ và những phần tử xấu vẫn lợi dụng cơ hội chống phá cách mạng. Bảo vệ và giữ vững trật tự an ninh, an toàn xã hội lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết. Công tác này muốn đạt hiệu quả cao phải dựa vào nhân dân. Sức mạnh của nhân dân sẽ làm nên tất cả. Bác Hồ đã dạy, chở thuyền cũng là nhân dân mà lật thuyền cũng là nhân dân. Phong trào toàn dân nâng cao cảnh giác bảo vệ an ninh tổ quốc được Lào Cai phát động rộng khắp và đã thu được rất nhiều kết quả. Cùng với cả nước góp phần gìn giữ an ninh, bảo vệ vững chắc vùng biên cương Tổ quốc. Công tác gìn giữ an ninh trật tự trị an được đảm bảo đã tác động tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Chính vì làm tốt công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc và phát triển nền kinh tế phục vụ quốc kế dân sinh, mà những năm sau này rất nhiều tập thể của Lào Cai được Bác Hồ tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen, nhiều cá nhân được tặng huy hiệu của Người. Đó là niềm vinh dự, tự hào của Lào Cai bởi những chiến công cùng cả nước làm nên kỳ tích trong chiến đấu chống ngoại xâm cũng như trong dựng xây đất nước.

60 năm đã trôi qua, nhưng chuyến thăm Lào Cai của Bác đã để lại dấu ấn đặc biệt. Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc Lào Cai sẽ mãi được khắc ghi. Những lời căn dặn của Bác tại buổi nói chuyện năm xưa vẫn còn tinh nguyên. Những lời dặn ấy trở thành động lực trong các phong trào thi đua yêu nước của Lào Cai trong suốt dọc những năm tháng kháng chiến trường kỳ cũng như trong hòa bình, kiến thiết, dựng xây của dân tộc. Đáng chú ý hơn, từ Hoàng Liên Sơn chia ra, bắt đầu từ năm 1991 đến nay, sau gần 30 năm được tái lập lại, Lào Cai đã có những bước đi vững chắc, ổn định, đột phá, tăng tốc để phát triển. Những định hướng lớn Lào Cai tập trung phát triển mang tính giai đoạn đã tạo cho địa phương này một diện mạo mới. Sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh cùng với chất kết dính, trí tuệ sáng ngời của hơn sáu mươi vạn nhân dân 25 dân tộc anh em làm nên một Lào Cai với những dấu ấn đáng nhớ. Từ một tỉnh kém phát triển, đến nay Lào Cai được biết đến với một cơ cấu kinh tế vững bền bằng phát triển công - nông - lâm nghiệp - thương mại, du lịch và dịch vụ. Đó là những lợi thế rất đặc biệt của Lào Cai không phải địa phương nào cũng có. Sự bứt phá vươn lên đã liên tục ghi điểm cho Lào Cai phát triển. Những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn đặt Lào Cai ở vị trí dẫn đầu. Thu ngân sách năm 2018 sẵn sàng vững vàng với con số ấn tượng trên 8.000 tỷ đồng. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng một năm. Kinh tế phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, biên giới Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) luôn hòa bình ổn định, hai bên luôn tạo những điều kiện tốt nhất để hợp tác, hữu nghị, phát triển cùng có lợi.

Bác chụp ảnh cùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm thân yêu nhất cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai. Tình cảm ấy còn được ghi tạc trong lòng mọi người khi luôn vang lên những lời dạy của Người: “Đoàn kết chặt chẽ, tăng gia sản xuất, trật tự an ninh, thuần phong mỹ tục”. Dù trong bất kể điều kiện, hoàn cảnh nào, khó khăn hay thuận lợi thì lời dạy đó vẫn mãi là bài học còn nguyên giá trị với mỗi chúng ta. Trong đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ lên thăm do tỉnh Lào Cai phát động, mỗi người dân trong tỉnh đang tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để mãi mãi xứng đáng là con dân đất Việt, tích cực góp phần xây dựng một Lào Cai phát triển, xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Nguyễn An Chiến


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết