Nguy cơ bùng phát bệnh lùn sọc đen phương Nam gây hại lúa Xuân

14:26 12-02-2018 | :810

Laocaitv.vn - Vụ Xuân năm 2018, toàn tỉnh gieo cấy 10.100 ha lúa, hiện trà sớm đang trong giai đoạn nhổ mạ - cấy - hồi xanh, tập trung tại huyện Bảo Thắng và Bát Xát; trà chính và muộn trên địa bàn toàn tỉnh đang làm đất, xuống giống.

Theo thông báo của Cục Bảo vệ Thực vật, qua kiểm tra các mẫu lúa, ngô, rầy cho thấy tỷ lệ dương tính với virus lùn sọc đen phương Nam rất cao. Cụ thể: 30/36 lúa chét, 42/59 mẫu ngô, 2/41 mẫu mạ, 7/49 mẫu rầy lưng trắng.

Vụ Mùa năm 2017, bệnh lùn sọc đen phương Nam đã gây hại mạnh tại Lào Cai, nguy cơ bùng phát trở lại trên lúa Xuân năm 2018 là hiện hữu do rầy lưng trắng (ký chủ mang virus lùn sọc đen phương Nam) vẫn tồn tại và trú ngụ trên lúa chét hoặc cỏ dại ven bờ ở những ruộng chưa làm đất hoặc tồn trại trong đất đã cày nhưng không đủ thời gian để ải. Qua kiểm tra của ngành Nông nghiệp tỉnh ngày 06-07/02/2018 tại một số địa bàn cho thấy: hầu hết người dân chưa cày lật gốc rạ, tỷ lệ lúa chét còn tương đối nhiều, đây là nguồn lây bệnh đặc biệt nguy hiểm có thể truyền sang cây lúa vụ Xuân năm 2018.

Lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen phương Nam. (Ảnh: Cao Bá Qúy)

Ngành Nông nghiệp Lào Cai đã khẩn cấp yêu cầu các cấp huyện, cấp xã khẩn trương ứng phó, phòng chống triệt để bệnh lùn sọc đen phương Nam có nguy cơ bùng phát gây hại lúa vụ Xuân năm 2018. Các biện pháp kỹ thuật được khuyến cáo gồm: Đôn đốc nhân dân khẩn trương cầy lật, vùi gốc rạ và cỏ dại để ngăn chặn môi trường sống của rầy lưng trắng; xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc Gaucho 600FS hoặc Cruiser Plus 312.5 FS; toàn bộ diện tích mạ cần sử dụng nilon trắng để che phủ, ngăn chặn sự xâm nhập của rầy lưng trắng, đồng thời phòng chống rét cho mạ; thường xuyên kiểm tra diện tích mạ đã gieo, khi phát hiện có rầy lưng trắng phải tổ chức phun thuốc trừ rầy một cách triệt để; trước khi nhổ mạ cấy từ 3-5 ngày, sử dụng các thuốc đặc trị rầy cơ chế nội hấp có hiệu lực phòng trừ dài để phun tiễn chân mạ như Qshin 20WP, Actara 25 WG, Superista 25EC; nếu phát hiện mạ có triệu chứng bệnh cần tiêu hủy bằng cách nhổ vùi, tuyệt đối không được sử dụng mạ có biểu hiện bệnh để cấy. Khi lúa lên, cần thường xuyên thăm đồng, nếu phát hiện cây lúa có triệu chứng bệnh cần phải nhổ vùi cây bệnh, đồng thời phun thuốc trừ rầy lưng trắng; bón phân cân đối, không bón thừa đạm, đối với ruộng bị nhiễm bệnh nặng cần phải tiêu hủy cả ruộng bằng cách phun thuốc trừ rầy trước khi cày vùi toàn bộ ruộng bị bệnh.

Cao Bá Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết