Tâm - Tầm - Tài của nhà báo

10:19 07-09-2018 | :1583

Laocaitv.vn - Khi nói đến Tâm - Tầm - Tài, người ta hay liên tưởng ngay đến Nhà lãnh đạo, Nhà quản lý hoặc Nhà doanh nghiệp có uy tín. Ở đây, tôi không bàn tới một lĩnh vực rộng lớn cho tất cả các khía cạnh của đời sống - xã hội mà chỉ xin được nêu đôi chút Tâm - Tầm - Tài đối với lĩnh vực Báo chí và Nhà báo. Tâm - Tầm - Tài đối với Nhà báo là vô cùng quan trọng. Thiếu đi một trong ba thứ đó thì chưa phải là một Nhà báo hoàn thiện. Có chăng được mặt này lại hỏng mặt kia. Cũng xin được nói thêm, đề tài này đã được các lớp đàn anh đi trước nghiên cứu và viết rất nhiều. Với tôi, bằng kinh nghiệm thực tế của người làm nghề 35 năm, muốn góp thêm một tiếng nói cho sinh động thêm Tâm - Tầm - Tài cùa Nhà báo.

Tâm - Tầm - Tài là nấc thang cao cả bất cứ ai cũng đều mong muốn và vươn tới. Có Tâm, có Tầm và ngang tầm với những người luôn vươn tới sẽ được coi như là một mệnh lệnh của cuộc sống. Chính vì vây, mọi người mới phải có ý thức phần đấu. Trong bước đường đi lên ấy, có những người thành công và cả những người không thành công. Đó không phải là may rủi mà là Tầm của mỗi người có khác nhau. Cùng sinh một giờ, một ngày mà người đẻ trên cạn, người đẻ dưới nước đã khác nhau về số mệnh. Huống hồ trong xã hội đa dạng hiện nay thí Tầm có một vị trí quan trọng của tất cả mọi người. Trong giới báo chí, không ai là không muốn vươn tới, không ai là không muốn có những tác phẩm đồ sộ, những thiên Tùy bút, thiên Phóng sự để đời nhưng đâu phải là dễ dàng. Thậm chí có những người suốt đời mang danh là Nhà báo nhưng viết lách rất lộ cộ, không thoát ra được ngay từ cái bóng của mình. Cho nên tác phẩm của những cây viết đó chỉ dừng lại ở mức phản ánh tương cà mắm muối, chứ không có tầm vươn ra biển lớn. Nói như vậy để thấy Tâm - Tầm - Tài của Nhà báo quan trọng đến nhường nào.

 Nhà báo Lê Trường Giang đại diện nhóm tác giả Đài PT-TH Lào Cai nhận đạt giải C Giải Báo chí quốc gia lần thứ XII năm 2017

Nghề báo là một nghề rất hà khắc và nguy hiểm. Ai thích nghi được sẽ xứng đáng tôn vinh. Còn bằng không, cũng chỉ dừng lại ở mức Nhà báo công chức đơn thuần mà thôi. Không phải là người viết báo chuyên nghiệp, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta quá cao siêu. Thậm chí những tác phẩm của Bác không có gì đo đếm được. Học Bác, cả một thế hệ làm báo cách mạng sau này cũng rất nhiều cây bút cừ khôi, tài hoa đáng nể. Xin được viện chứng. Thép Mới là một nhà báo cách mạng có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông nói được cả hồn dân tộc trong tác phẩm của mình. Tùy bút Cây tre Việt Nam được ông viết cách đây đã hơn 60 năm nhưng đến nay nhiều người vẫn nhớ như in từng câu, từng chữ. Rồi thiên Phóng sự nhiều kỳ Hiên ngang Cu Ba của ông được rất nhiều thế hệ nhà báo sau này học tập. Rồi nhà báo Hữu Thọ, một cây viết Phóng sự nổi tiếng định hướng dư luận rất mạnh. Các tác phẩm Tháng Tư trong vất vả khó khăn đi tìm mầm nụ mới, Nghị quyết Mười không chỉ có “Khoán 10” là những tác phẩm định hướng dư luận rất lớn thời kỳ đất nước những năm đầu đổi mới.

Không chỉ có Nhà báo Thép Mới hay Hữu Thọ, một thế hệ làm báo thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ đổi mới cũng rất được kính nể. Những cây đại thụ trong làng báo phải kể đến là Nhà báo lão thành Trần Lâm, Hồng Hà, Trần Bạch Đằng, Hà Đăng, Phan Quang, Trần Thiên Nhiên, Trần Mạnh Thường, Trần Mai Hạnh, Nguyễn Trần Thiết, Trần Đình Bá, Hoàng Trọng Đan, Hoàng Tùng, Mai Thúc Long, Đặng Quang Tình, Xuân Ba, Hữu Ước, Nguyễn An Định, Huỳnh Dũng Nhân. Thậm chí có những người viết báo không chuyên như ông Vũ Kỳ, ông Trần Đình Thiên, ông Dương Trung Quốc, bà Phạm Chi Lan, bà Tôn Nữ Thị Ninh... cũng có nhiều tác phẩm vang bóng, để đời. Những cây viết nổi tiếng này đã đóng góp rất lớn cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển rực rỡ. Đó là những cây bút đa năng có đủ Tâm - Tầm - Tài với khối lượng tác phẩm báo chí rất đồ sộ. Nếu không đủ Tâm - Tầm - Tài thì sao các Nhà báo đó đứng vững, sao các Nhà báo đó được công chúng yêu quý. Tác phẩm báo chí của những cây viết đại thụ này sẽ còn vang vọng mãi cùng với từng thời kỳ lịch sử của đất nước.

Tiêu chí của Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc thực ra cũng là Tâm - Tầm - Tài của Nhà báo. Một Nhà báo có tầm nhìn thì chắc chắn sẽ có Lòng trong, Bút sắc. Mà Lòng trong chính là Tâm sáng. Bút sắc chính là Tài năng. Không Nhà báo nào có tài lại có cái nhìn thiển cận cả. Tất cả được tôi rèn trong một môi trường lành mạnh. Tất cả những tác phẩm của những cây viết này đều hướng tới con người và cuộc sống. Tính nhân văn của các cây viết này rất cao cả. Không bao giờ lấy mục đích cá nhân làm tiếu chí viết báo. Những Nhà báo tài ba bao giờ cũng lấy cái Tâm làm đầu. Vì đây là cái gốc của đạo đức, đạo lý làm người. Tâm không sáng thì cũng đừng mơ có những tác phẩm tốt. Khi Tâm đã sáng thì bao giờ Nhà báo cũng có Tầm nhìn sâu rộng và có tính bao quát. Việc gì nên làm và việc gì không nên làm. Qua đó tiếp tục nảy sinh những ý tưởng mới cho những trang viết tương lai. Có Tâm, có Tầm rồi thì ắt Tài năng của Nhà báo cũng sẽ được phát huy tối đa. Tài năng là biết tiếp thu cái mới, vận dụng vào thực tiễn các trang viết. Trên cơ sở không ngừng học tập, nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ. Trong hoạt động nghiệp vụ, không có thành quả lao động dành cho những người lười nhác, thiếu sáng tạo và ăn đong. Thành quả lao động chỉ dành cho người chịu khó tư duy, tìm tòi cái mới, sáng tạo trong các tác phẩm. Thể hiện khúc triết qua từng chủ đề, đề tài rộng lớn trong đời sống xã hội. Những cây viết đủ Tâm - Tầm - Tài bao giờ cũng có tấm lòng cao cả, thể hiện rõ đạo đức người làm nghề. Tất cả được thể hiện trên từng trang viết. Các trang viết đều có sức lan tỏa được công chúng đón nhận một cách trân trọng.

Nhà báo Nguyễn An Chiến - Phó GĐ Đài PTTH Lào Cai nhận Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam.

Những Nhà báo có Tâm - Tầm - Tài bao giờ cũng suy trước, đoán sau. Không phải ngẫu nhiên mà Tiến sỹ triều vua Lê Thánh Tông có tên Thân Nhân Trung đã viết “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Khi đã có Tâm, có Tầm thì đó là những Nhà báo vừa có đức, vừa có tài. Chắc chắn những Nhà báo này không bao giờ có tư duy làm nghề kiểu mỳ ăn liền với những cái lợi trước mắt: Sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ. Làm báo kiểu đó thử hỏi đạo đức nghề nghiệp để ở đâu. Đúng là “con sâu làm giàu nồi canh”. Nếu được tuyển chọn kỹ, chắc chắn các cơ quan báo chí sẽ không có tình trạng làm báo kiểu chụp dựt, trước mắt chỉ vì lợi ích cá nhân.

Một tờ báo mạnh và uy tín là tờ báo phải có nhiều cây viết tốt. Tất nhiên, ở đó, các Nhà báo luôn có hướng đi mới, thu về hiệu quả cao nhất có thể. Như vậy, Tâm - Tầm - Tài đối với Nhà báo là cực kỳ quan trọng. Ba yếu tố này bổ sung cho nhau làm nên những Nhà báo tên tuổi, luôn vươn tới những thành công và mang theo bao lợi ích cho đời.

Nguyễn An Chiến


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết