Vai trò của báo chí trong xây dựng và bảo vệ đất nước

06:41 20-06-2018 | :2488

Laocaitv.vn - Vào ngày này cách đây 93 năm, Tờ báo Thanh Niên - Tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập (tại Quảng Châu - Trung Quốc) đã đi vào hoạt động. Đây là bước ngoặt có một ý nghĩa hết sức to lớn đối với cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Xác định báo chí có một vai trò quan trọng trong tiến trình đi lên của Cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập Báo Thanh Niên nhằm truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin đến với những người yêu nước, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam chuẩn bị cho một chặng đường cách mạng mới. Với 88 số, Báo Thanh niên đã đề cập được hàng loạt vấn đề quan trọng về tư tưởng, chính trị, giai cấp bóc lột, các nước thuộc địa và các dân tộc bị áp bức có tác động tích cực làm dấy lên tinh thần yêu nước, phong trào đấu tranh quần chúng nhân dân lao động nước ta với chế độ thực dân phong kiến. Báo Thanh Niên ra đời góp phần trang bị các diều kiện cho việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 03 tháng 02 năm 1930 và hàng loạt sự kiện chính trị lớn của  nước ta sau này. Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2018), Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà báo Nguyễn An Chiến - Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Lào Cai.

Trước thực tiễn đổi mới đất nước và khẳng định vai trò to lớn của báo chí, ngày 05 tháng 02 năm 1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 52 lấy ngày 21 tháng 6 hàng năm là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21 tháng 6 năm 1985, lần đầu tiên cả nước tổ chức kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam có sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Năm đầu tiên tổ chức kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng, Đảng ta đã khẳng định: Báo chí cách mạng Việt Nam và đội ngũ những người làm báo đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mục đích nhằm phản ánh sinh động thực tế hào hùng của các cuộc kháng chiến cứu nước cũng như thực tiễn công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần cổ vũ, động viên nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước.

Báo Thanh Niên – Tờ Báo cách mạng Việt Nam đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Suốt 93 năm qua, Đảng cộng sản Việt Nam luôn xác định báo chí có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ lĩnh vực công tác tư tưởng của Đảng. Lực lượng những người làm báo Việt Nam đều ý thức được trách nhiệm cao cả mà Đảng và nhân dân giao phó. Cho nên, lực lượng này đã đem hết tâm huyết, trí tuệ của mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Các nhà báo đã làm với đúng cái Tâm của người cầm bút, không vụ lợi, tư lợi cá nhân. Loại trừ có một bộ phận rất nhỏ những nhà báo tha hóa, biến chất, còn lại đều là những người học tập, rèn luyện theo phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Từ khi Đảng ra đời, báo chí nước ta đã tích cực phục vụ sự nghiệp vinh quang của Đảng. Báo chí tham gia cổ vũ, động viên tinh thần đấu tranh của nhân dân trong cao trào 1930 - 1931, cao trào vận động dân chủ 1936 - 1939, cao trào cứu nước 1939 - 1945, từ sau Cách mạng tháng Tám đến năm 1975 và từ năm 1975 đến nay. Đặc biệt, báo chí đã tập trung phản ánh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước suốt hơn 30 năm qua do Đảng ta khởi xướng. Báo chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như dựng xây đất nước. Báo chí tích cực tuyên truyền làm cho hình ảnh Việt Nam đến được nhiều hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Trong những năm qua, báo chí nước ta đã có nhiều đổi mới và vươn lên mạnh mẽ. Hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, bảo đảm định hướng chính trị, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, đồng thời là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân.  

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) xác định: Công tác tư tưởng, lý luận báo chí là một bộ phận quan trọng trong hoạt động của Đảng để xây dựng củng cố nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, tuyên truyền tập hợp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng của đất nước… Quán triệt tinh thần đó, để phục vụ đắc lực hơn nữa sự nghiệp Đổi mới đất nước, đồng thời đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí trong thời kỳ mới, đội ngũ những người làm báo với bản lĩnh của mình, tích cực tuyên truyền, cổ vũ, khẳng định thành tựu của công cuộc đổi mới. Phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến ở mọi vùng, miền của Tổ quốc. Tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn ma túy, mại dâm. Đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thể hiện rõ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo. Tại hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thảo luận và cho ý kiến về đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Nghị quyết nêu rõ: Trong hơn 10 năm qua, hệ thống báo chí nước ta phát triển nhanh về số lượng, loại hình, nội dung, hình thức. Công tác chỉ đạo, quản lý có bước đổi mới theo hướng chủ động, kịp thời hơn. Bên cạnh đó, hệ thống báo chí cũng còn những hạn chế, bất cập, khuyết điểm. Cơ cấu, quy mô chưa hợp lý, khuynh hướng xa dời tôn chỉ mục đích, thông tin không chuẩn xác chưa được khắc phục. Từ thực trạng quản lý, phát triển báo chí, dự báo xu hướng phát triển thông tin truyền thông, Nghị quyết Trung ương nhấn mạnh: Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, nâng cao năng lực, hiệu lực, xây dựng nền báo chí nước ta cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội. Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng Internet; khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, xa rời tôn chỉ, mục đích, nặng về thông tin mặt trái, mặt tiêu cực; thông tin không chuẩn xác. Xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhất là của cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới. Nghị quyết ra đời càng khẳng định vai trò to lớn của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đáng chú ý hơn, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ mục tiêu: Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Mới đây, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật Báo chí được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05 tháng 4 năm 2016. Luật Báo chí mới thực sự là cẩm nang cho các nhà báo và cơ quan báo chí hoạt động theo tôn chỉ, mục đích được Nhà nước quy định. Luật báo chí mới sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà không ngừng phát triển bền vững, đóng góp ngày càng xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Báo chí Lào Cai không ngừng phát triển, đổi mới.

Hòa chung niềm vui với những người làm báo trong cả nước, những người làm báo Lào Cai, với ý thức trách nhiệm của mình tiếp tục rèn bản lĩnh, rèn tay nghề phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Dù còn nhiều khó khăn, gian khổ, phía trước còn nhiều thách thức, chông gai, nhưng những người làm báo Lào Cai không nản chí, đồng sức, đồng lòng, lao động sáng tạo có kỷ luật, làm ra nhiều tác phẩm có giá trị được quần chúng nhân dân ghi nhận. Tiếp tục rèn đức, luyện tài và thể hiện cái Tâm trong sáng, trau dồi, học tập và làm theo cách viết và làm báo Hồ Chí Minh, góp phần cùng toàn tỉnh hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV đề ra. Báo chí Lào Cai đã đồng hành cùng với tỉnh làm cho nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển rất đáng tự hào. Từ một tỉnh rất nghèo sau khi chia tách từ Hoàng Liên Sơn ra, Lào Cai đã có bước đi vững chắc đang ở tư thế dẫn đầu trong các tỉnh vùng Tây bắc. Báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền, được tỉnh đánh giá là nguồn lực tác động rất lớn cho Lào Cai phát triển rạng rỡ như hôm nay.

Kỷ niệm 93 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, các cơ quan báo chí và những người làm báo Lào Cai đang từng bước đổi mới đi lên cùng với sự đổi mới, đi lên của đất nước. Mục đích cuối cùng là báo chí góp phần cùng với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh mạnh về kinh tế, vững về an ninh quốc phòng, xứng đáng với tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới giàu tiềm năng của vùng Tây bắc Tổ quốc./.

Nguyễn An Chiến


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết