Bản Xèo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao thu nhập cho nhân dân

11:40 11-10-2017 | :747

Nằm cách trung tâm huyện Bát Xát 24 km, Bản Xèo là một xã vùng cao thuộc Chương trình 135 giai đoạn II. Xã có diện tích tự nhiên là trên 2 652 ha và 465 hộ dân với 1903 nhân khẩu gồm nhiều dân tộc cùng chung sống. Những năm gần đây, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, Bản Xèo đã chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác hiệu quả các thế mạnh của địa nên đời sống của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt.

Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, xã Bản Xèo đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hình thức khá phong phú đa dạng. Cụ thể là tập trung mạnh cho việc chuyển đổi giống cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành những hợp tác xã tại các làng nghề truyền thống gắn với vùng nguyên liệu chế biến; vận động người dân học nghề, kiếm thêm việc làm ổn định lúc nông nhàn.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xã Bản Xèo đã  tuyên truyền, hướng dẫn  bà con đưa các giống lúa, ngô có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Đối với diện tích đất ít mầu mỡ, không thuận lợi nước tưới, hay diện tích trồng lúa, ngô cho hiệu quả thấp, xã quy hoạch chuyển đổi sang trồng đao riềng – nguồn nguyên liệu chính để sản xuất ra sản phẩm Miến Dong nổi tiếng của địa phương xưa nay. Hiện toàn xã Bản Xèo  đã hình thành vùng trồng đao riềng lớn nhất huyện  Bát Xát với diện tích gần 400 ha. Cây đao riềng đã phát triển rộng khắp 7 thôn/12 thôn toàn xã, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm và trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của hàng trăm hộ nông dân xã Bản Xèo.

Trong chăn nuôi, xã chủ trương nâng tổng đàn gia súc, gia cầm mở rộng quy mô theo hướng hàng hóa. Để làm được điều này, chính quyền xã chỉ đạo các hội, đoàn thể giúp các hộ gia đình hội viên được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô chuồng trại, mua thêm con giống và thức ăn phục vụ chăn nuôi. Đồng thời xã phối hợp với các ngành liên quan mở lớp tập huấn, hướng kỹ thuật, chăm sóc, nhất là việc lựa chọn giống, nguồn thức ăn, cách điều trị bệnh, làm chuống trại nuôi nhốt gia súc và  giữ gìn vệ sinh môi trường chăn nuôi. Cách làm này đã đã giúp đàn vật nuôi của Bản Xèo tăng không chỉ tăng nhanh về số lượng, mà chất lượng đàn vật nuôi của địa phương cũng được cải thiện đảng kể. 10 hộ gia đình tại địa phương đã chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình gia trại với số đầu lợn, gà mỗi năm xuất chuồng từ hàng chục lên  cả trăm con mỗi hộ.

Đi đôi với phát triển kinh tế nông nghiệp thì phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn cũng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Xã  đã vận động nhân dân thực hiện đa dạng hóa các ngành nghề, chú trọng vào những nghề thủ công truyền thống, những mặt hàng đặc sản địa phương và sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Hiện trên địa bàn có nhiều ngành nghề phát triển tốt như: Nghề nấu rượu tại thôn San Lùng, tạo việc làm cho trên 60 lao động, với thu nhập từ 1,5 – 4 triệu đồng/tháng. Nghề làm miến đao tạo việc làm cho hàng chục hộ gia đình với thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Nghề mộc, sản xuất vật liệu xây dựng tạo việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn với mức thu nhập khá. Kinh tế tập thể của địa phương cũng từ đó mà có bước phát triển. Hiện  toàn xã Bản Xèo  đã thành lập được 03 mô hình kinh tế tập thể gồm, Hợp tác xã sản xuất miến đao Thành Sơn, Hợp tác xã sản xuất gạch không nung Xuân Cương và Tổ hợp tác sản xuất rượu San Lùng. Những mô hình kinh tế tập thể này đã và đang hoạt động rất tốt, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho xã viên. Chị Nông Thị Tương - 01 nông dân ở xã Bản Xèo, đồng thời cũng là xã viên Hợp tác xã Miến Đao Thành Sơn cho biết: Trước đây gia đình chị chỉ sản xuất nông nghiệp thuần tuý, trồng lúa và trồng ngô. Từ khi Hợp tác Miến Đao Thành Sơn được thành lập (vào cuối năm 2012) gia đình chị cùng nhiều hộ dân trong xã đã chuyển một phần diện tích đất trồng ngô trên núi sang trồng cây đao riềng, bán nguyên liệu cho Hợp tác xã. 

Chọn hướng đi đúng và triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện, bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bản Xèo đã tạo được sự đồng thuận, tham gia nhiệt tình của người dân. Đời sống của bà con nhờ vậy mà cũng được cải thiện và ngày càng nâng cao, giúp địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ trong công tác xóa đói giảm nghèo. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Bản Xèo mới đạt 20 triệu đồng/đầu người thì đến 6 tháng đầu năm 2017 đã tăng lên 24 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 26,6%. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến đến hết năm nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã Bản Xèo sẽ đạt 28 triệu đồng/năm, vượt 2 triệu đồng/người so với qui định chuẩn Quốc gia về tiêu chí thu nhập trong chương xây dựng Nông thôn mới. – Một con số hết sức ấn tượng đối với 01 xã cùng cao, nằm trong diện 135 của tỉnh Lào Cai. Đây cũng là cơ sở quan trọng, để Bản Xèo đẩy nhanh tiến dộ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, sẵn sang cán đích Nông thôn mới vào năm 2018 theo đúng lộ trình mà tỉnh và huyện Bát Xát đề ra.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết