Bảo Thắng phát huy lợi thế các sản phẩm đạt sao OCOP

14:26 20-05-2021 | :425

Laocaitv.vn - Huyện Bảo Thắng hiện có 21 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh. Khi các sản phẩm được công nhận, các chủ thể đã nỗ lực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, tạo vị thế trên thị trường một cách bền vững.

Dây chuyền chế biến chè của Công ty cổ phần Phong Hải.

Nguyên liệu để làm nên sản phẩm Danh chè Phong Hải – Sản phẩm được chứng nhận đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2018 chính là giốngchè Kim Tuyên được trồng ở các thôn vùng cao là Ải Nam, Ải Dõng, Cóc Lé của thị trấn Phong Hải. Nông dân được hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; doanh nghiệp chế biến đạt các tiêu chuẩn an toàn, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến khách hàng trong và ngoài tỉnh là những điều kiện để sản phẩm ổn định thị trường tiêu thụ. Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai cho biết: "Công ty đã triển khai thị trường chè nội tiêu. Tại một số trung tâm thương mại, hội chợ, khách hàng đánh giá chất lượng của chè Phong Hải. Trong thời gian tới, công ty sẽ đưa tỷ phần chè nội tiêu tăng hơn".

Ông Trần Hữu Quân, thôn Nậm Dù, xã Xuân Quang đang thực hiện cắt tỉa, tạo tán cây na.

Khi làm chủ quy trình canh tác cây na đạt các tiêu chuẩn an toàn, nông dân thôn Nậm Dù, xã Xuân Quang đã hội đủ tiêu chuẩn để sản phẩm quả na được công nhận đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh vào cuối năm 2020. Qua kinh nghiệm canh tác, nông dân có thể điều chỉnh kỹ thuật để có sản phẩm quả chín sớm hoặc chín muộn. Cách làm này giúp cho sản phẩm quả na luôn đạt giá trị cao khi có mặt trên thị trường. Như năm trước, gia đình ông Trần Hữu Quân ở thôn Nậm Dù đã thu đến 80 triệu đồng từ bán quả na, chủ yếu là trái vụ. Ông Quân cũng tư vấn cho bà con nên trồng đúng quy hoạch, mở rộng vùng na riêng và không trồng xen các cây khác. Vì thế, quả na của HTX Nậm Dù có thể bán ra thị trường từ 40 - 50.000 đồng/kg.

Qua 3 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã tạo động lực để phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương và thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Ngoài phần vốn của Nhà nước hỗ trợ là 437 tỷ đồng thì các chủ thể đã huy động đến gần 1 tỷ đồng để chủ động cho việc gửi mẫu phân tích, đánh giá và công bố chất lượng sản phẩm. "Trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu cũng như xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các chủ thể mang sản phẩm đi quảng bá, giới thiệu. Đối với các chủ thể cũng cần hoàn thiện hơn nữa các tiêu chuẩn của bộ tiêu chí, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng tầm sản phẩm", ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng nói.

Bảo Thắng phấn đấu đến 2025, có 50 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó, nâng cấp 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao OCOP cấp tỉnh, đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng để phát triển sản xuất tập trung, quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị, góp phần cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho phát triển dịch vụ, thương mại của huyện.

Bài, ảnh: Ngọc Hà - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết